Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, lễ cúng ông Công, ông Táo (hay còn gọi là Táo Quân) là một truyền thống lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, Táo Quân là những vị thần cai quản việc bếp núc và giữ gìn sự bình yên cho gia đình. Lễ cúng này không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn là dịp để gia đình cầu mong một năm mới an lành và hạnh phúc.
Lễ cúng nông Công, ông Táo không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn là dịp để gia đình cầu mong một năm mới an lành và hạnh phúc. Ảnh: Quỳnh Mai.
Có thể cúng ông Công, ông Táo vào những ngày nào?
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, từ phong tục truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày chính thức để cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Người Việt tin rằng, vào ngày này, Táo Quân sẽ lên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm của gia đình trong suốt một năm qua. Vì vậy, hầu hết các gia đình đều thực hiện nghi lễ thắp hương và tiễn Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp.
Tuy nhiên, nhiều gia đình hiện nay có thể chọn cúng ông Công, ông Táo sớm hơn, từ ngày 20 đến 22 tháng Chạp. Điều này thường xảy ra do lịch trình bận rộn hoặc để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật chu đáo.
PGS.TS Lê Quý Đức cũng cho biết, thời gian tốt nhất để thực hiện lễ cúng là vào buổi sáng, trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, nếu bận rộn, gia đình có thể thắp hương vào buổi tối các ngày trước đó, miễn sao giữ được không khí trang nghiêm và thành tâm.
"Cúng ông Công, ông Táo không nhất thiết phải cố định vào một ngày duy nhất, mà có thể linh hoạt tùy theo hoàn cảnh. Dù thắp hương vào ngày nào, điều quan trọng nhất là tấm lòng thành kính của gia chủ, thể hiện sự biết ơn và mong cầu những điều tốt đẹp trong năm mới. Đây cũng là dịp để gia đình quây quần, vun đắp tình cảm và gắn kết các thế hệ", PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo có thể tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Ảnh: Quỳnh Mai.
Lễ vật cần chuẩn bị khi thắp hương Ông Công Ông Táo
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, cúng ông Công, ông Táo có thể chọn cúng cỗ mặn hoặc chay tùy theo từng gia đình. Mâm cỗ có thể gồm xôi, gà luộc, bánh chưng, hoặc các món ăn khác tùy theo điều kiện,…
Ngoài ra, không thể thiếu đó là ba bộ áo mũ Táo Quân (Thường gồm hai bộ dành cho Táo ông và một bộ dành cho Táo bà); Cá chép: Biểu tượng để Táo Quân cưỡi về trời, thường là cá sống để phóng sinh, tuy nhiên ngày nay nhiều gia đình chọn cúng cá giấy); Hương, đèn, vàng mã dùng để thắp trong lễ cúng.
"Ngày nay, lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường không cố định là những món gì, thứ gì như trước kia, mà nó sẽ tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Ví dụ như có gia đình chỉ cúng cá giấy, có gia đình lại cúng cá chép sống (1 con, 3 con, 5 con,…), có gia đình cúng rượu, có gia đình cúng thêm bia,… Nói chung, dù cúng với những lễ vật gì thì trước khi cúng gia chủ cũng cần chuẩn bị trang phục cho chỉnh tề, khi làm lễ cần trang trọng, thành tâm", PGS.TS Lê Quý Đức nói thêm.
Quỳnh Mai