Sàng lọc ung thư phổi tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.
Theo TS.BS.Phạm Tuấn Anh - Trưởng khoa Điều trị A (Bệnh viện K), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá. Một số người có yếu tố di truyền sẽ càng dễ bị ung thư phổi nếu hút thuốc. Như vậy, nếu tránh hút thuốc lá, tỉ lệ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi rất nhiều. Các nguyên nhân khác bao gồm phơi nhiễm tia phóng xạ, hóa chất sinh ung thư trong môi trường ô nhiễm. Trong đó asbestos (tiếng Pháp là amiante) được đề cập nhiều nhất trong y văn.
Phân tích sâu hơn, chuyên gia cho hay, trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại Bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi.
BS Lương Ngọc Trung - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực mạch máu (Bệnh viện FV) đánh giá, dù y học đã có những tiến bộ lớn trong điều trị ung thư nói chung, ung thư phổi vẫn là một thách thức lớn do tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân rất thấp (chỉ từ 13-18%). Một trong những nguyên nhân chính là việc bệnh thường được phát hiện quá muộn, khi ung thư đã tiến triển qua giai đoạn 3A, lúc này khả năng phẫu thuật gần như không còn. Chỉ khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm có thể được phẫu thuật triệt căn. Điều này tạo ra một gánh nặng lớn cho các bác sĩ lâm sàng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng chỉ rõ, ung thư phổi là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam và các nước trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện được sớm cho đến nay vẫn rất thấp. Dưới 10% người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ được phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số người bệnh được phát hiện khi đã có những tổn thương di căn, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, với mục tiêu không còn có thể điều trị khỏi được mà chỉ kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, với sự phát triển của y học hiện nay và những tiến bộ trong các biện pháp chẩn đoán ung thư phổi hoàn toàn có thể phát hiện được từ giai đoạn sớm, khi những tổn thương, nốt mờ còn rất nhỏ. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn, triệt căn mà không cần phải hóa chất và xạ trị kết hợp. Thậm chí, một số bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn không mổ được cũng có những biện pháp điều trị, can thiệp để đạt được hiệu quả tối đa giống điều trị triệt căn.
“Tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian vừa qua đã phát hiện được rất nhiều các người bệnh ung thư phổi ở giai đoạn sớm, từ đó giúp ích trong việc điều trị và mang đến những hiệu quả tối ưu” - PGS.TS Vũ Văn Giáp chia sẻ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nguyên nhân chính và có thể tránh được ung thư phổi là thuốc lá. Do vậy cách tốt nhất và quan trọng nhất để phòng bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá. Nếu đang hút thuốc lá nên ngừng càng sớm càng tốt, vì ngừng hút thuốc lá cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều.
Đức Trân