Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn (trái) và Phó chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng trong cuộc họp sáng 21/4 tại TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.
Ý kiến này từng nhiều lần được nêu ra trong các hội nghị, hội thảo, chương trình về xuất bản và khuyến đọc.
Sáng 21/4, trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028, ý kiến này được nhắc lại và được đông đảo hội viên quan tâm.
Thời điểm chín muồi để đọc sách đi sâu vào giảng đường
Trong bối cảnh Bộ Giáo dục dự kiến triển khai học 2 buổi/ngày với các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, ông Lê Hoàng, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, nhận định đây là "thời điểm chín muồi" để đề xuất này có thể trở thành hiện thực: "Nếu tiết học khởi nghiệp có thể đưa vào chương trình giảng dạy, thì không lý gì lại không thể có tiết đọc sách bắt buộc".
Đồng tình với kiến nghị này, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng, đơn vị hàng chục năm gắn bó với dòng sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên kỳ vọng điều này sẽ giúp học sinh trên cả nước được tiếp cận với sách từ sớm và đều đặn, thường xuyên chứ không riêng những dịp như ngày Sách và Văn hóa Đọc. Quan sát các đoàn học sinh đến tham quan nhà sách, đại diện Fahasa cũng mong đọc sách khi trở thành hoạt động bắt buộc trong nhà trường sẽ khơi gợi các em nhỏ niềm say mê, hứng thú với việc đọc.
Nếu được đưa vào thời khóa biểu chính thức, tiết đọc sách trong trường học sẽ giúp nuôi dưỡng kỹ năng, thói quen đọc sách và niềm tin vào việc đọc cho trẻ từ sớm; từ đây giúp hình thành thói quen đọc sách ngay từ "tuổi ăn, tuổi lớn", giúp tạo ra một thế hệ độc giả tương lai.
Hình ảnh tại cuộc họp. Ảnh: Phương Lâm.
Cần chế tài mạnh mẽ để bảo vệ và phát triển nền xuất bản
Một vấn đề khác được các đơn vị xuất bản quan tâm hàng đầu là tình trạng sách lậu, sách giả, sách không được cấp phép hoành hành trên thị trường nhiều năm nay; đặc biệt trầm trọng trên môi trường mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Dù Hội Xuất bản đã phối hợp cùng các đơn vị xuất bản, phát hành trong các hoạt động tuyên truyền chống sách giả, sách lậu nhưng vì nhiều yếu tố, bao gồm chế tài chưa đủ răn đe, mà những nỗ lực này hiện vẫn chưa đủ để ngăn chặn vấn nạn gây tổn thất lớn đến toàn ngành.
Giám đốc Công ty CP Văn hóa Phương Nam Nguyễn Hữu Hoạt trăn trở về hoạt động của các đường sách mới tại TP.HCM: "Việc xây mới đường sách không khó bằng duy trì đường sách đã có, nhất là với các đường sách không nằm ở địa bàn trung tâm". Ngoài ra, ông nêu ví dụ nhiều nước trên thế giới ưu tiên mặt bằng đẹp cho nhà sách, hiệu sách; đơn cử nhiều sân bay tại các nước trên thế giới luôn có nhà sách. Ông đề xuất các địa phương trên cả nước trong thời gian sắp tới có chính sách quy hoạch mặt bằng đẹp dành riêng để các đơn vị phát hành đấu thầu.
Xuất bản là một lĩnh vực văn hóa đặc thù, có vai trò trọng yếu với việc nâng cao dân trí, đóng góp vào sức mạnh mềm của đất nước. Do đó, dù không thể phủ nhận các doanh nghiệp xuất bản cần tự lực cạnh tranh như mọi ngành nghề khác, song một số ý kiến kỳ vọng đơn vị xuất bản nhận được chính sách đặc thù về thuế đất và nguồn lợi nhuận dùng vào tái đầu tư để có thể làm tốt hơn nữa vai trò của mình.
Chuyển đổi số; ứng dụng AI trong xuất bản; mô hình doanh nghiệp làm sách; đào tạo nguồn nhân lực xuất bản; nhân rộng mô hình đại sứ văn hóa đọc; đẩy mạnh và mở rộng hoạt động khuyến đọc; nâng tầm Giải thưởng Sách Quốc gia cũng là những điểm được các hội viên quan tâm.
Trong năm 2025, Hội Xuất bản sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động từ các năm trước như tổ chức các chương trình khuyến đọc, tặng sách; các công tác xã hội phụng sự cộng đồng và đặc biệt là góp phần phát triển ngành xuất bản với sứ mệnh tri thức, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước đó, tháng 9/2024, trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo số 19-TB/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM Lê Hoàng cho rằng luật hóa, đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính thức trong trường học (thay vì những hướng dẫn chưa có nhiều tính ràng buộc như hiện nay) sẽ là yếu tố mấu chốt quyết định thành quả của phát triển văn hóa đọc trong những năm tới.
Phong Khang