Có tình trạng lợi dụng gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm để kéo dài thời gian thi hành án

Có tình trạng lợi dụng gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm để kéo dài thời gian thi hành án
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 19/5, tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TPHCM) nêu lên thực trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan, gửi từ trung ương tới địa phương, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Sang bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án. Phạm vi sửa đổi lần này đã thể chế hóa về tổ chức bộ máy để làm sao Tòa án nhân dân đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả cũng như cải cách tư pháp.
Góp ý cụ thể, về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, dù lần này không được đặt ra nhưng theo đại biểu, trong thực tiễn hiện nay, đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan, gửi từ trung ương tới địa phương.
Đại biểu đề nghị Tòa án tổng kết thực tiễn và đề ra quy định về điều kiện để nộp đơn giám đốc thẩm và căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp cao hơn.
Bởi lẽ, theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang, khi bản án phúc thẩm, sơ thẩm đã có hiệu lực và chuẩn bị thi hành án, nhưng khi có quyết định kháng nghị thì phải dừng lại, hoãn lại bản án. Tuy nhiên, sau đó, nếu quá trình xét xử giám đốc thẩm, vẫn y án như cũ thì quyền lợi của người được thi hành án khi bị kéo dài sẽ giải quyết như thế nào?
“Lợi dụng việc có đơn đề nghị giám đốc thẩm nên đề nghị hoãn thi hành án, thực chất ở đây là gì? Kéo dài thời gian thi hành án, việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người được thi hành án hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng”, đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TPHCM)
Về các nội dung khác của dự án Luật, đại biểu đánh giá, đợt phân quyền, tăng thẩm quyền lần này cho Tòa án nhân dân khu vực là mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất từ trước đến nay.
Bởi lẽ, Tòa án nhân dân khu vực được thực hiện việc xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc từ hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, thậm chí phá sản và sở hữu trí tuệ; những loại trước đây Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có như án hành chính, Tòa hành chính và Tòa kinh tế.
Trong phân quyền lần này chỉ có hình sự, giải quyết án dưới 20 năm tù, theo đại biểu đánh giá là thỏa đáng. “Nếu phân quyền triệt để đối với hình sự về án chung thân, tử hình mà Tòa án nhân dân khu vực giải quyết tôi cho rằng chưa ổn, bởi vì liên quan đến quyền sống của con người”- đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhìn nhận.
Giải trình tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, về cơ bản, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu.
Về nghị thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (được thành lập ở TPHCM và Đà Nẵng), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, cấp thẩm quyền đã chỉ đạo nghiên cứu khẩn trương để xây dựng đề án liên quan đến việc thành lập này bởi đây là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.
Về ý kiến các đại biểu đề nghị về mô hình của tòa án liên quan tới Tòa khu vực, thẩm quyền xét xử toàn bộ các vụ án, vụ việc, bao gồm cả hình sự theo thủ tục sơ thẩm, theo Chánh án TAND Tối cao, cần có lộ trình.
“Nếu đúng ra, được sơ thẩm hết cho 1 cấp, phúc thẩm 1 cấp thì giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục thẩm quyền đặc biệt của tối cao, làm được thế thì quá tốt, nhưng bởi vì quá độ hiện nay là phải vừa đồng bộ với các cơ quan tố tụng khác, thứ hai nữa là còn phù hợp với năng lực của cán bộ.
Hiện nay, trong thực hiện nhiệm vụ thì một số vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn phải nói Tòa khu vực này dù chúng ta có thành lập, có tăng cường nguồn lực như thế nào, nhân lực thế nào nữa thì khúc mắc không thể đáp ứng, an tâm được việc xét xử loại mức án trên 20 năm, chung thân và tử hình, chính vì vậy còn có lộ trình quá độ này”- Chánh án Lê Minh Trí cho biết.
Về đề nghị không thành lập Tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ tại Tòa án khu vực mà giao cho thẩm phán chuyên trách, Chánh án TAND Tối cao cho hay, hiện nay, giải quyết án phá sản và sở hữu trí tuệ là vấn đề chưa phải quá lớn, quá nhiều, nhưng xu hướng phát triển của đất nước, xu hướng hội nhập, phát triển thì vấn đề phá sản là một nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ trở thành tài sản và tài sản vô hình này được các nước phát triển ngày càng quan tâm, nên đây là một nhu cầu sẽ rất lớn và đòi hỏi tính chuyên sâu.
Do đó, hiện nay, nhu cầu chưa lớn nên sẽ gắn vào trong Tòa khu vực, nhưng khi nhu cầu tăng lên phải có một tòa chuyên trách.
“Các doanh nghiệp và kể cả các quan chức các nước có nhu cầu đầu tư lớn ở Việt Nam đều quan tâm đến tòa án về sở hữu trí tuệ cũng như phá sản, người ta vào làm việc là người ta hỏi 2 tòa này”- Chánh án Lê Minh Trí bày tỏ.
Thanh Hòa
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/co-tinh-trang-loi-dung-gui-don-de-nghi-giam-doc-tham-de-keo-dai-thoi-gian-thi-hanh-an_178175.html