Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 19/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Tổ chức hệ thống tòa án tinh gọn, chuyên sâu
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đánh giá cao việc xây dựng luật đảm bảo tính hợp hiến và thống nhất trong hệ thống pháp luật và quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn tòa án nhân dân các cấp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức thực hiện. Theo dự thảo, TAND sẽ được tổ chức theo 3 cấp; đồng thời chấm dứt hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu thảo luận.
Về thẩm quyền của TAND Tối cao, đại biểu bày tỏ sự đồng tình việc bổ sung nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự đã có bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; đồng thời tiếp nhận nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm tái thẩm được chuyển giao từ TAND cấp cao.
Bên cạnh đó, việc tăng thẩm quyền xét xử của TAND khu vực, cho phép cơ quan này giải quyết tất cả các loại vụ việc dân sự, hành chính theo thủ tục sơ thẩm cũng được đại biểu đánh giá là phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền; đảm bảo các vụ án vụ việc cơ bản được giải quyết từ cơ sở.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng, việc quy định TAND cấp tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự có hình phạt trên 20 năm tù và vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác là phù hợp. Quy định này không chỉ đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử mà còn khắc phục những khó khăn hiện nay của TAND cấp huyện về nhân lực và cơ sở vật chất; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhận định thời gian tới, Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đi vào hoạt động, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia ở cả lĩnh vực truyền thống và các lĩnh vực mới. Vì vậy, việc thành lập các Tòa Kinh tế và Tòa Sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để giải quyết hiệu quả các tranh chấp chuyên ngành, đòi hỏi đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong thẩm quyền của tòa án
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghịTAND Tối cao tiếp tục tổng kết thực tiễn, hoàn thiện các quy định liên quan đặc biệt là điều kiện xem xét đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm quy định rõ ràng chặt chẽ căn cứ kháng nghị, tránh tình trạng kéo dài, giải quyết vụ việc không có điểm dừng.
Dẫn chứng cụ thể, từ năm 2022 đến 2024 có tới 11 ngàn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; trong bối cảnh TAND Tối cao tiếp nhận thêm nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm từ TAND cấp cao, đại biểu đề nghị Quốc hội xét xét tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao để đảm bảo nguồn lực tham gia xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, từ đó nâng cao chất lượng và đảm bảo thời hạn xét xử.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thông qua các dự án Luật sửa đổi bổ sung về thẩm quyền của Tòa án gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các sửa đổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự, đảm bảo tính thống nhất trong quy định của các đạo luật tố tụng đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công tác tư pháp trong tình hình mới.
Hữu Quý – Trần Nhung
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ha-tinh-gop-y-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-post288105.html