Cơm sôi bớt lửa…

Cơm sôi bớt lửa…
6 giờ trướcBài gốc
Thẳng thắn chia sẻ, dung hòa mọi vấn đề trong cuộc sống giúp gìn giữ niềm tin yêu và hạnh phúc gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Một điều nhịn, chín điều lành”
Chị Kim Ngọc (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) tính tình khá nóng nảy, bất cứ chuyện gì không đúng, không vừa ý, trong gia đình hay kể cả ngoài xã hội, là chị “phát loa” liền. Nhưng, chị cũng ào ào vậy rồi thôi, chứ thực tâm thì hiền lành, bản tính thẳng thắn, thuộc kiểu người “ruột để ngoài da”, nói rồi bỏ qua chứ không để bụng. Hiểu vợ nên anh Phương, chồng chị, thường nhẫn nhịn, khi có sự việc, anh để chị nói cho qua cơn bực tức, đợi chị nguôi ngoai anh mới từ tốn trao đổi lại.
Để rèn được tính nhẫn nhịn, anh Phương cũng đã trải qua nhiều phen sóng gió sau những lần tranh luận tay đôi với vợ. Anh nhớ, cách đây vài năm, khi căn nhà đang ở quá xuống cấp, anh bàn chuyện sửa chữa, xây mới. Chị Ngọc không đồng ý vì kinh tế chưa dư dả, sợ các chi phí phát sinh, đến lúc thiếu không biết xoay xở vào đâu, mượn nội ngoại cũng khó. Anh Phương thì bức bối chuyện nhà cửa, nên nhất quyết phải kêu thợ làm cho xong trước mùa mưa.
Hai vợ chồng cãi nhau nảy lửa, không ai chịu ai. Chị Ngọc căng thẳng chuyện tiền bạc nên càng gay gắt phản đối. Lúc nóng giận, không kiềm chế được, anh Phương đã vung tay hất đổ nhiều thứ trong nhà, trong đó có một bình hoa thủy tinh lớn làm chiếc bình bể tan tành, vài mảnh vỡ văng trúng chân chị Ngọc, máu chảy vương trên nền gạch. Chị Ngọc mặt tái xanh, lặng người nhìn chồng rồi nhìn chân mình. Anh Phương khi định thần lại cũng hốt hoảng không kém. Anh nói lời xin lỗi vợ, xốc chị ra ngoài tức tốc tìm hộp y tế để xử lý các vết thương. Sau vụ việc, anh chị ai cũng trầm mặc, không ai buồn nói chuyện, chiến tranh lạnh kéo dài hơn cả tuần…
Sau vụ việc “chấn động” đó, anh Phương thay đổi tâm tính, sống điềm đạm hơn. Anh tâm tư: “Tuy các vết thương không nghiêm trọng, nhưng mỗi khi cô ấy mặc quần ngắn hay váy, tôi lại thấy rất rõ mấy vết sẹo để lại. Bấy nhiêu đó đủ để tôi thấy mình cần thay đổi, quan tâm, yêu thương cô ấy nhiều hơn, để đem lại niềm vui, nụ cười và hạnh phúc cho vợ, cũng là cho gia đình nhỏ của mình. Cũng may mắn là vết thương không nghiêm trọng, nếu không, có lẽ tôi ân hận cả đời”.
Quan tâm và sẻ chia
Anh Thông (ngụ quận 10, TPHCM) quen chị Thu Trang (ngụ Mỹ Tho, Tiền Giang) từ thời sinh viên. Yêu nhau được 5 năm, anh chị chính thức về chung một nhà. Hơn 10 năm, hai vợ chồng gắn bó, sẻ chia biết bao ngọt bùi lẫn gian khó, từ lúc chỉ có hai bàn tay trắng đến khi kinh tế gia đình từng bước ổn định.
Gia đình nhỏ nhà anh luôn ngập tiếng cười đùa, tiếng học bài ê a của con trẻ. Những bữa cơm gia đình ấm áp luôn diễn ra đều đặn mỗi ngày, là lúc anh chị cùng con cái sum vầy, hỏi han, bảo ban, chia sẻ nhau các vấn đề trong cuộc sống, giúp không khí gia đình như được tiếp thêm năng lượng tích cực để cuộc sống hôn nhân thêm tròn vẹn. Tuy nhiên, để có được sự vững bền hôm nay, ngôi nhà nhỏ của anh Thông, chị Trang cũng đã từng trải qua không ít sóng gió.
Anh Thông nhớ những năm đầu bên nhau, cuộc sống còn bấp bênh, anh đi làm, còn chị Trang chưa tìm được việc. Lúc ấy, chị Trang lại mang thai đứa con đầu lòng. Công việc của anh Thông lúc này cũng có nhiều trở ngại, nhưng anh không chia sẻ gì với vợ: “Tôi phải gồng gánh kinh tế nên rất áp lực, nên mỗi khi cảm thấy buồn là lại đi nhậu với bạn bè, nhiều đêm “bỏ rơi” cô ấy một mình trong ngôi nhà mà chúng tôi từng hứa sẽ luôn sát cánh bên nhau. Nhiều lúc cô ấy càu nhàu, giận dỗi, trách móc, tôi cũng mặc kệ. Tình hình kéo dài cả mấy tháng. Vợ tôi buồn và xuống sắc thấy rõ. Đến một hôm, trước khi tôi đi làm, cô ấy bảo sẽ về nhà mẹ đẻ ở. Tôi bắt đầu suy nghĩ, cảm thấy hoang mang. Tôi suy nghĩ lung lắm, rồi bảo cô ấy ở lại, chiều tan làm sẽ cùng nói chuyện”.
Buổi chiều hôm đó, vợ chồng anh Thông có một cuộc trao đổi nhẹ nhàng, không một lời lớn tiếng. Anh cho biết: “Chúng tôi đã ngồi mấy tiếng như vậy để bộc bạch hết những vấn đề của cuộc sống hiện tại, cách giải quyết từng bước, việc cần làm để cải thiện mối quan hệ vợ chồng, tính toán lo tương lai cho con... Và chúng tôi như được gỡ hầu hết những gút mắt trong lòng mỗi người. Rồi cô ấy chịu ở lại cùng tôi, cho chúng tôi thời gian để hàn gắn lại tình cảm gia đình, yêu thương và tính toán đường dài cho mái ấm”.
Cuộc sống hôn nhân luôn có nhiều thử thách về tình yêu thương, sự hy sinh, lòng chung thủy... Những thử thách ấy hiện diện như chất xúc tác giúp tình cảm vợ chồng có những trải nghiệm vui buồn để dần trưởng thành, đồng thời giúp phát huy tinh thần gắn kết, sẻ chia, quan tâm, yêu thương nhau.
Đặc biệt, mái ấm gia đình có hạnh phúc hay không đều dựa vào cách ứng xử của cả hai vợ chồng: phải biết khéo léo chọn cách đối diện, có sự thấu hiểu, tôn trọng, dung hòa trong giải quyết các vấn đề gia đình, biến cái tôi cá nhân trở thành cái chung tốt đẹp, yêu thương... để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách, gắn kết ngày một bền chặt tình cảm gia đình.
BẢO LÂM
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/com-soi-bot-lua-post796667.html