Côn Đảo - Điểm sáng phát triển mô hình du lịch xanh tuần hoàn

Côn Đảo - Điểm sáng phát triển mô hình du lịch xanh tuần hoàn
4 giờ trướcBài gốc
Phát động phong trào Giỏ lễ xanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo.
Nói "không" với rác thải nhựa, đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích
Với đặc thù nằm giữa biển, trong suốt thời gian qua, Côn Đảo đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của rác nhựa đại dương, nhất là tại các khu vực rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Nhận thấy được thực tế trên, năm 2024, Ban Quản lý khu du lịch quốc gia Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Vietnam) khởi động chiến dịch truyền thông giảm nhựa năm 2024. Mục tiêu của chiến dịch ngăn nhựa sử dụng một lần ngay từ đầu vào Côn Đảo, cụ thể là trên các phương tiện vận chuyển khách đến sân bay, bến cảng và điểm tham quan, bãi biển, trong cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí…
Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 và 2 (từ tháng 4 đến tháng 7/2024) tập trung truyền tải thông điệp về quy định giảm nhựa, nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã qua cuộc thi Giỏ đồ lễ xanh, Thử thách dấu tay xanh; lắp đặt thiết bị theo dõi chất lượng không khí; truyền thông trên nền tảng website, mạng xã hội quảng bá du lịch Côn Đảo và định hướng về du lịch giảm nhựa; hướng dẫn thực hành giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; in ấn sản phẩm truyền thông sáng tạo như bộ huy hiệu Côn Đảo, vẽ tranh tường về du lịch giảm nhựa, postcard...
Giai đoạn 3 (từ tháng 9 đến tháng 11/2024), tổ chức Tuần lễ ngưng nhựa/thu gom rác tái chế tại các điểm tham quan, điểm di tích lịch sử. Đồng thời, tiếp tục viết nội dung, thiết kế hình ảnh phục vụ truyền thông trên các trang mạng xã hội truyền tải thông điệp về quy định hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các địa điểm du lịch năm 2025.
Đồng thời với việc nói không với rác thải nhựa, từ năm 2023, huyện Côn Đảo khởi xướng kế hoạch “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã”.
Từ ngày 1/7/2024, các di tích thuộc thuộc UBND huyện Côn Đảo quản lý gồm: Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ - Khu dân cư số 1; Miếu Thổ Địa - Khu dân cư số 2; An Sơn Miếu - Khu dân cư số 3; Chùa Núi Một - Khu dân cư số 3; Miếu Ngũ Hành - Khu dân cư số 10 chính thức thực hiện việc “nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã”.
Đây là một quyết định thiết thực và ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, an ninh trật tự của chính quyền huyện Côn Đảo, được cộng đồng đánh giá cao.
Sau thời gian triển khai thực hiện, theo đánh giá của huyện Côn Đảo, về cơ bản chủ trương nói không với hoạt động cúng đốt vàng mã tại các di tích đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và du khách, số lượng hàng mã, đồ mã dâng cúng đã được hạn chế, việc đốt hương, nhang giảm dần tại các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Kinh tế tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái
Côn Đảo giàu tiềm năng phát triển mô hình du lịch biển xanh tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025 tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10% trong giai đoạn 2026 - 2030; tỷ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau đạt 10% vào năm 2030. Cùng với đó, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 10% giai đoạn 2022 - 2025, tăng 30% giai đoạn 2026 - 2030; tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ đạt 10% trong giai đoạn 2026 - 2030; tỷ lệ thu gom, sửa chữa, tân trang, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng đạt 10% vào năm 2025 và 15% trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, đề án kinh tế tuần hoàn còn đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn du khách, qua đó tăng doanh thu ngành du lịch cho Côn Đảo cũng như kéo theo sự phát triển bền vững của các cụm ngành kinh tế phụ trợ.
Cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển Côn Đảo tạo tiền đề và động lực thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác phát triển, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư trên đảo; gắn kết phát triển với các đô thị du lịch quan trọng của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, huyện Côn Đảo cũng đã và đang xây dựng các tour du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên, thu hút du khách bằng các trải nghiệm gần gũi với tự nhiên và động vật quý hiếm.
Trong đó, tour thả rùa biển trở thành điểm nhấn độc đáo, mang đến cho du khách cơ hội hiếm có để tham gia vào hành trình bảo vệ loài vích biển quý hiếm. Du khách khi tham gia tour sẽ được tìm hiểu quá trình ấp và bảo tồn trứng, đồng thời trải nghiệm thả rùa con mới nở ra biển vào lúc sáng sớm. Nhân viên trạm kiểm lâm sẽ phổ biến cách thức thả rùa con về biển như không chắn lối ra biển, không giẫm đạp hay sờ nắn mạnh tay với rùa con.
Những tour trekking xuyên rừng cũng thu hút những du khách yêu thiên nhiên, ưa trải nghiệm mạo hiểm tham gia. Hiện 2 tour trekking xuyên rừng nổi tiếng nhất tại Côn Đảo là Sở Rẫy và Thánh Giá. Du khách trekking xuyên rừng sẽ thực sự được hòa mình vào thiên nhiên xanh trong lành, khám phá hệ sinh thái đa dạng trong khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, nhiều cây cổ thụ, dây leo và động vật quý hiếm. Đặc biệt, khi lên tới đỉnh Thánh Giá cao 557m so với mực nước biển, du khách được chiêm ngưỡng toàn bộ Côn Đảo với một tầm nhìn rộng lớn, ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ một cách trọn vẹn nhất.
Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm tour du lịch lặn biển, ngắm nhìn thế giới đại dương với san hô đủ sắc màu cùng những loài sinh vật biển khác như ốc biển, hải sâm, rùa biển, cá giò, cá nược… Khu vực có hệ sinh thái biển phát triển nhất tại Côn Đảo là Hòn Tài hay Hòn Bảy Cạnh với nước biển trong vắt, hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo tạo nên 882 loài thực vật và gần 150 loài động vật.
Hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế
Theo đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, kinh tế tuần hoàn được chọn là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, đặt trọng tâm vào mối quan hệ hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế.
Hải Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-dao-diem-sang-phat-trien-mo-hinh-du-lich-xanh-tuan-hoan-162787.html