'Cơn địa chấn' thuế quan - Bài cuối: Khép lại kỷ nguyên toàn cầu hóa?

'Cơn địa chấn' thuế quan - Bài cuối: Khép lại kỷ nguyên toàn cầu hóa?
7 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các bài viết đăng tải trên mạng tin HK01 và tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định, tham vọng "Sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào các thị trường chi phí thấp, cũng như vào các nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản có thể cạn kiệt.
Các công ty sẽ phải đánh giá lại điểm đến đầu tư. Và như ông Andre Sapir, cựu quan chức Liên minh châu Âu (EU), nhận định: “Mỹ từ lâu đã là trung tâm của toàn cầu hóa. Giờ đây, chính trung tâm ấy lại muốn rút lui”.
Việc tháo gỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển sản xuất về Mỹ là nhiệm vụ đầy thách thức, ít nhất là về chi phí. Giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng cảnh báo về sự không chắc chắn, vì ông Trump có thể sử dụng thuế quan như công cụ đàm phán và rất có thể sẽ hạ thuế sau đó. Các nhà kinh tế lo ngại thế giới sẽ đối mặt với một chu kỳ khan hiếm vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng, khi các công ty sẽ chờ đợi sự rõ ràng hơn trước khi đưa ra các quyết định đầu tư.
* Toàn cầu hóa sẽ bị ngăn chặn?
Trong những năm gần đây, đặc biệt dưới tác động của căng thẳng Mỹ-Trung Quốc và đại dịch COVID-19, các tập đoàn đa quốc gia đã chủ động đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc (xu hướng "Trung Quốc +1") để giảm rủi ro.
Hệ quả là tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm, nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với một số nước đang phát triển khác lại tăng lên. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ trong năm 2024 đã lên tới 1.100 tỷ USD, củng cố quan điểm của các nhà hoạch định chính sách trong chính quyền của Tổng thống Trump về sự cần thiết phải cải tổ thương mại. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân chính của thâm hụt là do thâm hụt ngân sách và tỷ lệ tiết kiệm thấp của Mỹ.
Mặc dù có một số dấu hiệu về việc doanh nghiệp tăng đầu tư vào Mỹ (Siemens, TSMC, các công ty điện tử của Vùng lãnh thổ Đài Loan cân nhắc mở rộng tại Mỹ hoặc Mexico để phục vụ thị trường Mỹ), dữ liệu kinh tế do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thống kê cho thấy, chính doanh nghiệp Mỹ đang cắt giảm kế hoạch chi tiêu để đối phó với tình hình bất ổn thuế quan.
Một vấn đề cốt lõi là ngành sản xuất Mỹ hiện nay tập trung nhiều vào công nghệ cao và thiếu nguồn cung nội địa về vật liệu cơ bản, hàng hóa trung gian giá rẻ vốn được sản xuất hiệu quả hơn ở nước ngoài. Chuyên gia Dan Digre, Giám đốc điều hành (CEO) của Misco Speakers, cho biết công ty của ông vẫn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc, và đã phải trả hàng triệu USD tiền thuế, đồng thời tìm nguồn cung thay thế ở các quốc gia đang phát triển khác.
* Tương lai bất định
Đối mặt với việc tăng thuế quan ồ ạt của Mỹ, nhiều giao dịch đã không có lợi nhuận và thị trường toàn cầu sẽ được chia thành hai thế giới - một bên tập trung vào thị trường Mỹ với Mỹ là cốt lõi, quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới, và bên kia là thị trường châu Á và châu Âu với Trung Quốc là cốt lõi, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới. Sự chia rẽ sẽ buộc nhiều quốc gia phải triển khai hai hệ thống chuỗi cung ứng. Họ sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường do chi phí tăng vọt, hiệu quả giảm và cuối cùng chỉ có thể dựa vào các công ty ở Trung Quốc và Mỹ. Xu hướng này đã hình thành và sẽ rõ ràng hơn trong tương lai.
Mạc Luyện - Hoài Thanh (P/v TTXVN tại Hong Kong, New York)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/con-dia-chan-thue-quan-bai-cuoi-khep-lai-ky-nguyen-toan-cau-hoa/368858.html