Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: Thống Nhất
Kinh tế: Khi thuế quan là “con dao hai lưỡi”
Thuế quan từ lâu đã được ví như một con dao hai lưỡi – áp lên người khác cũng là tự làm khó mình. Các nghiên cứu kinh tế cho thấy thuế quan làm tăng giá hàng hóa, giảm sức cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nội địa và ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng. Trừ khi phục vụ mục đích chính trị hoặc tâm lý (tạo cảm giác “thắng thế”), phản ứng khôn ngoan nhất khi bị áp thuế là không phản pháo, nhằm tránh làm tình hình xấu hơn.
Việt Nam không chỉ tránh đối đầu với chính quyền Tổng thống Trump mà còn đi trước một bước: đề xuất giảm thuế về 0%. Bước đi này (hy vọng) giúp duy trì xuất khẩu sang Mỹ – thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 136 tỷ USD năm 2024 – đồng thời mở đường cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản và công nghệ, vào Việt Nam với giá cạnh tranh hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã tặng Trump một món quà PR đúng thời điểm – chứng minh chính sách cứng rắn của ông có hiệu quả, khi Việt Nam thể hiện nhượng bộ ngay tức thì nhằm củng cố quan hệ song phương. Thị trường đã phản ứng tích cực: cổ phiếu của các đối tác sản xuất lớn tại Việt Nam như Nike, adidas… quay đầu tăng mạnh.
Sự thật về “Make America Great Again” và chiến tranh thương mại
Mỹ có đang đánh mất vị thế? Không hẳn. Như đã chia sẻ ở bài viết trước, năm 1991, GDP Trung Quốc chỉ chiếm 1,7% toàn cầu, trong khi Mỹ là 26%. Sau ba thập kỷ tăng trưởng vàng, GDP thế giới tăng từ 23,7 nghìn tỷ USD lên khoảng 115-120 nghìn tỷ USD (IMF, 2025). Mỹ vẫn giữ vững tỷ trọng khoảng 25% (30,34 nghìn tỷ USD), trong khi Trung Quốc đạt 18% (18,5 nghìn tỷ USD). Đây là minh chứng cho vai trò đầu tàu kinh tế toàn cầu của Mỹ – vừa thúc đẩy tự do thương mại, vừa bảo vệ vị thế số một.
Về quân sự, Mỹ chi khoảng 900 tỷ USD cho quốc phòng (2024), gấp 4–5 lần Trung Quốc, duy trì hơn 300 căn cứ quân sự trên toàn cầu.
Về văn hóa, Hollywood, nhạc Pop, thời trang, chuẩn mực xã hội – ảnh hưởng Mỹ vẫn vượt trội. Thương hiệu như Apple, Netflix là biểu tượng toàn cầu.
Về giáo dục, trong bảng xếp hạng QS 2024, 70% đại học top 25 thế giới là của Mỹ (Harvard, MIT, Stanford…).
Đặc biệt, về sáng tạo, Mỹ là "cái nôi" với Elon Musk, SpaceX, Tesla, VNIDA – dẫn đầu về công nghệ và đổi mới.
Mỹ “không vĩ đại” ở đâu? Đó là trong mắt khoảng 20% dân Mỹ – nhóm bị thuyết phục bởi tâm lý bất mãn. Thu nhập trung vị của họ tuy tăng từ 30.000 USD (1991) lên 70.000 USD (2024), nhưng bất bình đẳng gia tăng rõ rệt. Hệ số Gini tăng từ 0,43 lên 0,49 (1991–2023).
Ông Trump tận dụng sự bất mãn này bằng khẩu hiệu “Make America Great Again” – mô tả nước Mỹ đang xuống dốc và cần được “cứu rỗi.”
Ảnh chụp màn hình thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội Truth Social. Ảnh: TTXVN
Tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Trump
Ông Trump không tin vào các thể chế đa phương như Liên Hiệp Quốc, WTO, NATO hay TPP. Với dân số 345 triệu, diện tích 9,8 triệu km², hai đại dương bảo vệ và nguồn tài nguyên phong phú, Mỹ có thể tự lực. Với thị trường nội địa 20.000 tỷ USD, vị thế dẫn đầu công nghệ (AI, vi mạch), ông cho rằng Mỹ nên rút lui khỏi vai trò “cảnh sát toàn cầu”, tập trung tái cấu trúc kinh tế trong nước.
Chiến lược “America First” nhằm giảm thâm hụt ngân sách (hiện khoảng 1,8 nghìn tỷ USD/năm) và buộc các nước phải “cầu cạnh” Mỹ. Ai muốn tiếp cận thị trường Mỹ phải “mua” quyền đó – bằng cách mở cửa cho nông sản Mỹ, chuyển nhà máy về Mỹ, hay đáp ứng điều kiện thương mại có lợi cho Washington.
Kết luận
Đề xuất giảm thuế 0% của Việt Nam không chỉ tránh đối đầu thương mại mà còn tận dụng thời cơ chiến lược: thiết lập quan hệ vững chắc với Mỹ trong bối cảnh Trump ưu tiên lợi ích đơn phương. Đây là bước đi khôn ngoan, vừa thực tế – bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia – vừa chiến lược – tạo vị thế có lợi trong “cuộc chơi mới” của nước Mỹ.
Trần Sĩ Chương (chuyên gia kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp)