Con đường duy nhất

Con đường duy nhất
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: qdnd.vn
Trụ cột đầu tiên, Nghị quyết 66, đặt nền móng cho một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện đại, kiến tạo và hành động vì nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng pháp quyền không chỉ là hệ thống văn bản quy phạm, mà phải đi vào thực chất điều hành, khắc phục triệt để tình trạng “luật đúng nhưng thực thi yếu, pháp lý dày mà niềm tin mỏng”. Để đạt được điều này, cần một bộ máy công vụ tinh gọn, chuyên nghiệp, liêm chính, lấy hiệu quả làm tiêu chí tối hậu. Pháp luật, trong tư duy mới, không chỉ là công cụ cưỡng chế, mà là khí cụ kiến tạo trật tự phát triển, tạo niềm tin và động lực cho mọi tầng lớp xã hội. Nghị quyết 66 không đứng một mình, mà là nền tảng pháp lý để các nghị quyết khác phát huy sức mạnh.
Nghị quyết 68, với trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân, là chất xúc tác cho động lực tăng trưởng. Lần đầu tiên, khu vực tư nhân được đặt ở vị trí chiến lược, không chỉ là lực lượng phụ trợ, mà là một cực phát triển của nền kinh tế quốc dân. Bằng cách hoàn thiện pháp luật về đầu tư, sở hữu, cạnh tranh bình đẳng, khơi thông nguồn lực tín dụng và cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết 68, kết hợp với Nghị quyết 66, tạo ra một hệ sinh thái pháp lý vững chắc, nơi doanh nghiệp tư nhân có thể bứt phá và đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng quốc gia.
Trong khi đó, Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ là chiều sâu chiến lược của sự bền vững. Thực tế cho thấy, không có sáng tạo, không thể cạnh tranh; không làm chủ công nghệ, không thể phát triển độc lập. Vai trò của khu vực tư nhân trong việc đầu tư, mạo hiểm và đổi mới trở thành yếu tố then chốt. Khi kết hợp với Nghị quyết 68, Nghị quyết 57 không chỉ thúc đẩy sáng tạo trong nước, mà còn tạo tiền đề để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Tổng hòa ba nghị quyết trên là Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một thể chế mạnh phải đi đôi với năng lực hội nhập. Sản phẩm thể chế của Việt Nam không chỉ phục vụ trong nước, mà còn khẳng định uy tín quốc gia. Một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, cùng khu vực tư nhân phát triển và công nghệ tiên tiến, sẽ biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng sạch.
Bộ tứ nghị quyết không chỉ tạo thế - một hệ thống chính trị vững vàng, pháp lý ổn định, bộ máy minh bạch - mà còn dựng lực - một nền kinh tế thị trường hiện đại, sáng tạo và hội nhập. Quốc hội, khi luật hóa các nghị quyết này, sẽ chính thức mở khóa vận hội phát triển.
Từ Hội nghị ngày 18 tháng 5, có thể thấy một thông điệp rõ ràng: cải cách không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất. Phát triển không chỉ là mục tiêu, mà là yêu cầu sống còn. Với bộ tứ nghị quyết, chúng ta sở hữu một bản thiết kế thể chế hoàn chỉnh, nơi tư duy cải cách gặp thời cơ vàng. Đây là khoảnh khắc lịch sử, khi thế và lực cùng hội tụ, khi sự đồng tâm của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân được khơi dậy trong một khung thể chế thống nhất. Một Việt Nam thịnh vượng, vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ thế giới, đang được định hình từ tầm nhìn chiến lược và sự kiên định của Đảng.
Thái Bình
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/con-duong-duy-nhat-post490240.html