Bột trà xanh Matcha, một đặc sản mang tính biểu tượng của Nhật Bản, đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, với quy mô thị trường được dự báo sẽ cán mốc 5 tỷ USD vào năm 2028.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), sản lượng matcha tại nước này đã tăng từ 1.471 tấn lên 4.176 tấn, tức tăng khoảng 185% trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2023. MAFF cũng cho biết, mặc dù mức tiêu thụ nội địa đang giảm dần, nhưng “cơn sốt” matcha lại đang bùng nổ toàn cầu, với hơn một nửa lượng trà sản xuất tại Nhật Bản hiện được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“CƠN SỐT” TRÀ XANH
Một nghiên cứu tổng quan được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ vào năm 2021 đã ca ngợi matcha như một loại “siêu thực phẩm” mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nhờ vào hàm lượng cao chất chống oxy hóa, chlorophyll và các hợp chất chống viêm, matcha được đánh giá là có tiềm năng trong việc phòng ngừa nhiều loại bệnh, đồng thời có thể hỗ trợ chức năng nhận thức; do đó, việc tiêu thụ matcha thường xuyên hứa hẹn mang lại tác động tích cực đối với cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Những nội dung, hình ảnh về matcha đang cực kỳ "viral" trên khắp các trang mạng xã hội
Các chuyên gia trong ngành đều đồng tình rằng sự quan tâm đến sức khỏe và lối sống lành mạnh kể từ sau đại dịch Covid-19 chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy làn sóng yêu thích matcha trên toàn cầu.
“Chúng tôi đã thực hiện khảo sát đối với khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tại các cửa hàng bách hóa và phát hiện ra rằng họ cực kỳ quan tâm đến lợi ích sức khỏe mà matcha mang lại”, bà Fumi Ueki, Giám đốc Leaf Brand Group, một bộ phận công ty trà lớn nhất Nhật Bản Ito En, cho biết.
Một động lực khác tạo nên sức hút cho matcha chính là những chủ đề liên quan đến ẩm thực Châu Á được lan tỏa trên mạng xã hội như Instagram, TikTok. Chính điều này đã mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương tiếp cận những thị trường mới trước đây gần như chưa từng biết đến loại trà này của Nhật Bản. Bà Shiori Yuen, người đứng đầu Bộ phận Kinh doanh Quốc tế của Yamasan, một công ty trà có trụ sở tại Kyoto (Nhật Bản) cho biết trong 3 năm gần đây, công ty đã nhận được rất nhiều đơn hàng nhập sỉ từ các thị trường mới như châu Phi và Trung Đông, trong đó Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là địa điểm tiêu thụ hàng đầu.
“Lượng tiêu thụ matcha trên thị trường quốc tế đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái”, bà Fumi Ueki nhấn mạnh.
BÀI TOÁN NGUỒN CUNG
Tuy nhiên, trên thực tế chính sự nổi tiếng của matcha trên toàn cầu đang tạo ra một sức ép chưa từng thấy lên các nhà sản xuất địa phương. Vấn đề càng trở nên nổi cộm khi hai công ty trà nổi tiếng ở Kyoto là Ippodo và Marukyu Koyamaen phải giới hạn số lượng bột trà matcha mà một khách hàng có thể mua, đặc biệt là dòng matcha đợt hái đầu quý hiếm, vốn trước chỉ dùng trong các nghi lễ trà đạo nhưng nay lại được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng hàng ngày.
Ông Jason Eng, một nhà quản lý tại công ty trà Kametani, cho biết họ đã tăng sản lượng thêm khoảng 10% mỗi năm kể từ năm 2019. “Chúng tôi phải làm thêm giờ rất nhiều, cả vào cuối tuần, những mới chỉ kịp để trả các đơn hàng đặt trước nhiều tháng”, ông Eng chia sẻ.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy việc tăng cường sản xuất matcha ở các địa phương, nhưng mục tiêu này không hề đơn giản vì đây là một quá trình tiêu tốn rất nhiều thời gian, đất đai và nhân lực. Kỹ thuật nuôi trồng cây trà vốn đã công phu, nhưng riêng với matcha, trước khi thu hoạch, cây còn phải được che bóng trong vài tuần để giúp lá trà giữ được hương vị đậm đà, ngọt hậu đặc trưng. Tiếp theo đó là quy trình chế biến cực kỳ phức tạp. Lá trà, chỉ có thể được hái vào mùa xuân, phải được phơi khô, bỏ gân lá và xay thành bột mịn bằng cối đá truyền thống. Bà Simona Suzuki, nhà đồng sáng lập Hiệp hội Trà Nhật Bản Toàn cầu, chia sẻ, ngay cả việc chế tác cối đá cũng mất thời gian vì cối cần đúc theo cách đặc biệt để xay được hạt siêu mịn, khoảng 10 micron, mà không làm hư hại thành phẩm do nhiệt sinh ra từ ma sát. Cũng vì vậy mà khi nhu cầu đột ngột tăng mạnh, năng lực sản xuất rất dễ bị quá tải.
Một số quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang dần bước vào “cuộc đua” matcha. Nhưng theo giới chuyên gia, hương vị và chất lượng trà từ các nước này vẫn chưa thể so sánh được với matcha Nhật Bản, vốn được xem là “chuẩn mực vàng” trong lòng giới sành trà.
Trong khi đó, lao động sẵn có cho công việc này cũng đang bị thu hẹp. Dữ liệu cho thấy số lượng nông dân trồng trà ở Nhật đã giảm từ 53.000 người xuống chỉ còn 12.353 người trong vòng 20 năm qua. Nhiều nông dân đã lớn tuổi và thế hệ trẻ thì không muốn tiếp quản, dẫn đến việc nhiều nông trại chè bị bỏ hoang.
“Ngành trà Nhật Bản đang đứng trước một bước ngoặt. Nếu không có đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nhân lực và mở rộng vùng trồng, thì ngành này có thể không đáp ứng nổi làn sóng tăng trưởng hiện tại”, ông Kohei Ujiie, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Thực phẩm Fuji Keizai bình luận.
TÌM KIẾM GIẢI PHÁP
Vụ thu hoạch trà năm 2025 của Nhật Bản, bắt đầu khoảng tháng 4, sẽ giúp bổ sung nguồn cung và tạm thời giải quyết tình hình thiếu hụt, nhưng đây rõ ràng không phải là giải pháp lâu dài.
Nhà sáng lập Hiệp hội Trà Nhật Bản Toàn cầu, Simona Suzuki tin rằng Nhật Bản hoàn toàn có thể khả năng đẩy mạnh sản lượng matcha, nhưng cần phải có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người nông dân. “Chỉ mới năm đây thôi, chúng tôi đã bắt đầu nghe được thông tin về việc chính phủ Nhật Bản đang xem xét thay đổi chính sách giúp việc chuyển đổi từ sản xuất trà lá rời sang sản xuất tencha (lá trà làm matcha) được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cũng đã có những khoản trợ cấp mới cho người nông dân, khuyến khích họ tập trung vào tencha để tăng cường nguồn cung”, bà Suzuki lưu ý.
Ngoài ra, ngành trà Nhật Bản còn đang chủ động hiện đại hóa quy trình sản xuất, đầu tư cho công nghệ tự động trong các khâu như hấp, sấy; đồng thời cải tiến hệ thống kiểm soát chất lượng để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe ở cả trong nước lẫn quốc tế.
Song song đó, các nhà sản xuất cũng tích cực tìm cách thu hút thế hệ nông dân mới. Một số vùng trà nổi tiếng như Uji, Kyoto đã triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho những bạn trẻ có ý định theo đuổi nghề trồng trà.
Một trang trại trà tại Shizuoka, Nhật Bản
Trong khi đó, các nhà bán lẻ và phân phối có thể tự bảo vệ mình khỏi cảnh “kệ trống, kho cạn” bằng cách đa dạng hóa nhà cung cấp và khu vực thu mua. Ví dụ, một số nhà sản xuất trà mà công ty Yamasan hợp tác tại vùng Uji đã hết sạch tencha trước khi Yamasan kịp mua đủ lượng họ cần dùng cho cả năm. Tuy nhiên, vì có nguồn cung matcha từ nhiều nông trại khác nhau, nên Yamasan vẫn còn lựa chọn thay thế trong danh mục bán sỉ của mình. Nhiều công ty cũng linh hoạt hơn trong việc thu mua lá tencha (lá trà chưa xay, nguyên liệu để làm matcha) đợt hai, ba từ các nông dân ở khu vực phía Tây Nhật Bản, rồi chế biến thành matcha để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước.
Cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng khi nhu cầu matcha ngày càng tăng mà nguồn cung không thể theo kịp sẽ khiến giá cả sẽ leo thang. Điều này có thể vô tình tạo cơ hội và động lực cho hành vi sản xuất và kinh doanh matcha kém chất lượng, cả tại Nhật Bản lẫn quốc tế, khi các nhà sản xuất tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc sử dụng nguyên liệu giả hoặc pha trộn tạp chất, từ đó đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như danh tiếng và sự phát triển bền vững của ngành.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất truyền thống đều luôn nhấn mạnh rằng họ không muốn biến matcha thành một món hàng công nghiệp chỉ để chạy theo xu hướng thị trường. Tầm quan trọng của việc bảo tồn “terroir”, yếu tố độc đáo về khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa canh tác đặc trưng cho từng vùng trồng trà, cũng được nêu rõ.
Việc giữ gìn những đặc điểm bản địa này không chỉ giúp duy trì chất lượng hảo hạng của matcha, mà còn là cách bảo vệ bản sắc văn hóa và uy tín toàn cầu của Nhật Bản. “Mỗi gram matcha là kết tinh của của đất trời, tâm huyết và bàn tay người nông dân Nhật Bản, và điều đó không thể đánh đổi”, bà Yuki Nakamura của thương hiệu Nakamura Tokichi bày tỏ.
Hạnh Chi