Giữa biết bao hoài niệm, ký ức về cha, tôi không thể nào quên lần đầu tiên được cha cho đi học trên chiếc xe chở vật liệu ra ruộng trỉa đậu phộng cùng hai chị. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi vui sướng biết bao khi được ngồi trong vòng tay ấm áp của cha, cùng cha đánh xe bò trên con đường làng quen thuộc.
Hòa cùng hợp âm của tiếng gió reo vui, tiếng chim gọi mời bình minh là tiếng “dí”, tiếng “thá”, tiếng xe bò “lộc cộc, lộc cộc” đã bện sâu vào tâm trí tuổi thơ tôi. Giữa khung cảnh hiện thực nhưng rất đỗi nên thơ ấy, tôi ngoái nhìn lại thấy bóng thùng xe bò từ từ khuất dần trong bụi đường bùn đất. Và kế bên tôi là hình ảnh người cha hao gầy trong chiếc áo nâu sờn vai mẹ may thuở nào, nay đã thấm vị mồ hôi qua những mùa gió sương tần tảo sớm hôm vì đàn con thân yêu.
Lẫn trong miền ký ức xa xưa ấy, vẫn còn mãi những lời ấm áp của cha: “Hai đứa con ngồi gần vào cha, vịn chặt cha, hai chân đạp lên thành góc thùng xe kẻo bị trượt đó con!”. Vâng! Từng lời nói, từng cử chỉ vòng tay kéo hai chị em lại gần cha như ấm lên tình phụ tử thiêng liêng. Tất cả yêu thương, tình cảm vuông tròn, cha đều dành hết cho chị em tôi. Cha luôn chở che dẫu chúng tôi là những đứa trẻ ngây thơ hay cao lớn trưởng thành.
Mẹ kể cho chị em tôi nghe vì sao cha thường nghiêm khắc trong lời ăn tiếng nói đến những cử chỉ sinh hoạt hằng ngày bấy lâu nay. Rằng, từ khi 2 tuổi, cha đã là trẻ mồ côi vì ông nội hy sinh trong một trận càn của thực dân Pháp tại căn cứ cách mạng Mỹ Hạnh anh hùng. Một lúc nào đó, trong tôi chợt nghĩ, có phải do cha thiếu vắng tình thương của ông nội từ nhỏ nên đã ảnh hưởng đến một phần tính cách ít nói, nghiêm nghị và khó tính của cha sau này!
Năm tháng vội qua mau, đôi vai cha ngày càng nặng thêm những lo toan cơm áo gạo tiền cho chị em tôi. Ngày hay tin chị tôi thi đậu Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, cha vui mừng khôn xiết. Rất đông bà con, cô bác đến chúc mừng gia đình có con gái đậu đại học có tiếng thời đó. Và cha cũng nghe không ít những lời bàn tán: “Con gái mà, nuôi ăn học chi tốn tiền tốn bạc, nữa cũng lấy chồng làm con nhà người ta!”. Đối diện với những lời trái tai, cha vẫn kiên quyết với chị từng lời: “Con cứ yên tâm cố gắng học hành, cha sẽ lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”. Suốt 4 năm đại học cũng là ngần ấy thời gian cha cực nhọc, lặn lội sớm hôm cùng mẹ nơi ruộng đồng để mong có đủ chi tiêu trang trải ăn học của chị. Rồi, cha và cả nhà nhận được niềm vui - thành quả “trái ngọt” khi chị ra trường có việc làm ổn định, đỡ đần cha mẹ chăm lo chị em tôi ăn học nên người.
Sự nghiêm khắc cùng những lời tâm tình dạy bảo của cha chính là hành trang quý giá giúp chị em tôi vững bước vào đời.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Thi Hoàng Khiêm