Trí tuệ nhân tạo (AI) "đọc" ra tổn thương của người bệnh là u tân sinh. Thầy thuốc cắt bỏ tổn thương có kích thước 20mm ngay trong quá trình nội soi. Kết quả giải phẫu bệnh sau cắt phù hợp với chẩn đoán ban đầu: Bệnh nhân bị u ống tuyến kèm loạn sản độ cao, tiền ung thư đại trực tràng. Bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện 19/8, cho biết, từ năm 2022, Bệnh viện đã triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán, nội soi tiêu hóa nhằm phát hiện sớm tổn thương đường tiêu hóa, đặc biệt phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nam bệnh nhân 49 tuổi đến khám tổng thể. Với tiền sử bệnh nền tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đã đặt 3 stent, hiện không có dấu hiệu gì điển hình, ngay khi chụp X-quang cũng chỉ phát hiện có đám mờ ở phổi. Dù được làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác như nội soi phế quản, cuống họng... cũng chưa có gì đáng chú ý. Tuy nhiên, khi đưa các chỉ số của bệnh nhân vào phần mềm và AI hỗ trợ phân tích cho thấy, bệnh nhân được xác định bị tổn thương ở thùy phổi phải và có nguy cơ ung thư ác tính.
Từ gợi ý đó, bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân chụp CT lồng ngực. Kết quả đúng như phân tích, máy tự động đọc và nhận diện ra tổn thương với đám mờ phổi chính là triệu chứng thời kỳ đầu của ung thư phổi.
PGS.TS Đào Việt Hằng, Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ, AI đang thay đổi cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý. Công nghệ này giúp phát hiện sớm ung thư gan qua CT-scan hoặc cộng hưởng từ, chẩn đoán tổn thương nội soi chính xác hơn, đồng thời giảm sai sót trong phân tích giải phẫu bệnh. AI còn xuất hiện trong các ứng dụng trên smartphone để hỗ trợ bệnh nhân quản lý các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp và viêm gan B.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế là bước đột phá trong chẩn đoán, điều trị bệnh
Bác sĩ Nguyễn Việt Dũng phân tích, hiện nay, các bệnh lý về tiêu hóa rất phổ biến, các can thiệp về tiêu hóa cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số bệnh nhân đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Trong đó, ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Theo Globocan năm 2022, tại nước ta có 16.835 ca ung thư đại trực tràng, 16.277 ca ung thư dạ dày, hơn 3.600 ca ung thư thực quản. "Trong nội soi tiêu hóa, hình ảnh rất quan trọng. Với những tổn thương nhỏ, vị trí khó, nếu quan sát bằng mắt thường, bác sĩ có nguy cơ bỏ sót. Hiện tỷ lệ bỏ sót các trường hợp ung thư đường tiêu hóa trên nội soi khoảng 11,3%. AI giống như con mắt thứ 3 hỗ trợ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương, giúp phát hiện tổn thương nhỏ hoặc ở vị trí khó quan sát, giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và tầm soát ung thư lên tới trên 95%. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ bác sĩ đọc và phân loại được tổn thương cho người bệnh. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh bác sỹ tiêu hóa tại Việt Nam đang phải chịu đựng áp lực làm việc lớn khi thực hiện hàng chục ca nội soi tiêu hóa mỗi ngày. Sự hỗ trợ của AI giống như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sỹ có bỏ sót tổn thương hay không", bác sĩ Dũng phân tích.
Tạo ra đột phá trong lĩnh vực y tế
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Điện Quang và Y học hạt nhân Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Tại Việt Nam, ứng dụng AI là một lĩnh vực mới, hiện có vai trò chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là ung thư, từ đó giúp cho việc đưa ra các quyết định điều trị được chính xác, kịp thời, hiệu quả. Chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI. AI giúp chẩn đoán nhanh và chính xác hơn nhờ khả năng tích hợp dữ liệu đa chiều.
Một số bệnh viện và trung tâm nghiên cứu đã tiên phong trong việc sử dụng AI để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện quy trình quản lý bệnh nhân. Các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện K… đã sử dụng các hệ thống AI trong việc phân tích hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán. Các hệ thống này giúp bác sĩ phát hiện sớm dấu hiệu của ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh lý thần kinh thông qua phân tích dữ liệu từ các hình ảnh X-quang, CT scan và MRI.
Tại Hà Tĩnh, từ năm 2021, ứng dụng AI đã được sử dụng tại 19 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, phần mềm AI đã sàng lọc được trên 50 dấu hiệu bất thường và không bất thường trên hình ảnh X-Quang ngực thẳng với độ chính xác trung bình đạt 91,5%; hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh PACS; tự động phân loại 4 loại ung thư gan; hỗ trợ điều trị ung thư trực tràng dựa trên hình ảnh MRI…
Tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), mới đây, đội ngũ y, bác sỹ tại Bệnh viện đã tham gia chương trình khám, tư vấn, tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI cho 133 phụ nữ tại Trạm y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, do Sở Y tế TPHCM tổ chức. Công nghệ AI được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung là CerviCare AI. Đây là một kỹ thuật mới, giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc. Ngay sau khi thực hiện tầm soát, chị em nhận được hình ảnh soi cổ tử cung, AI thông báo ngay kết quả. Được biết, trong thời gian tới, ứng dụng AI sẽ được triển khai thử nghiệm tại các bệnh viện chuyên khoa sản của TPHCM. Theo PGS.TS Hoàng Quốc Cường (Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam), AI sàng lọc ung thư cổ tử cung có độ nhạy lên đến 98%.
Bên cạnh việc phát hiện sớm ung thư, nhiều bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cũng triển khai sử dụng phần mềm của AI để điều trị cho các bệnh nhân ung thư và đạt được kết quả tốt.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên