Con số tổn thất khủng khiếp của Nga và Ukraine sau 3 năm xung đột

Con số tổn thất khủng khiếp của Nga và Ukraine sau 3 năm xung đột
3 giờ trướcBài gốc
Thiệt hại về con người
Các ước tính từ nhiều nguồn cho thấy tổng cộng hai phía có hơn 1 triệu thương vong. Với Nga là 172.000–250.000 người chết và 611.000–800.000 người bị thương.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ukraine đã mất khoảng 45.100 binh sĩ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Ngoài ra, có tổng cộng 390.000 trường hợp bị thương. Tuy nhiên, theo phía Nga, con số thương vong của Ukraine lớn hơn rất nhiều rơi vào khoảng 500.000 tính đến hết năm 2023.
Theo tổng thống Mỹ Donald Trump, Ukraine có thể đã mất khoảng 700.000 quân kể từ khi xung đột nổ ra.
Nga và Ukraine đã chịu hơn 1 triệu thương vong trong 3 năm chiến sự (Ảnh: Reuters)
Các con số này có sự chênh lệch lớn phản ánh tính chất phức tạp và nhạy cảm của việc thống kê thương vong trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.
Về thương vong dân sự, theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), tính tới nay, có hơn 12.600 dân thường thiệt mạng trong đó có 669 trẻ em, 29.000 người khác bị thương trong cuộc xung đột. Số dân thường của cả Nga và Ukraine thương vong trong năm 2024 đã tăng 30% do các cuộc tấn công bằng UAV càng ngày càng gia tăng của cả hai bên.
Dân số Ukraine đã bị xáo trộn, với 6,9 triệu người tị nạn ở nước ngoài và 4 triệu người di tản trong nước, trong khi 14,6 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo trong năm 2025.
Phần lớn người Ukraine đang sinh sống ở khắp châu Âu, nhiều nhất là ở Đức (1,2 triệu), Ba Lan (1 triệu) và Cộng hòa Séc (390.000). Tính đến tháng 12, Vương quốc Anh có khoảng 254.000 người tị nạn Ukraine đang sinh sống. Theo thống kê chỉ có 7% số người Ukraine đang tị nạn muốn trở về quê hương nếu chiến tranh kết thúc.
Thiệt hại về kinh tế
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2021, trước chiến tranh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine được định giá vào khoảng 199,8 tỷ USD. GDP của Ukraine giảm mạnh 28,3% vào năm 2022. Sau đó, phục hồi với mức tăng trưởng 5,3% vào năm 2023 và 3% vào năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn 20% so với trước xung đột, chi phí tái thiết ước tính khoảng 500 tỷ USD.
GDP của Nga giảm 1,3% vào năm 2022 nhưng đã tăng trưởng 3,6% mỗi năm kể từ đó, nhờ chi tiêu chiến tranh (150 tỷ USD vào năm 2025) và xuất khẩu dầu mỏ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng khiến kinh tế Nga ghi nhận mức lạm phát kỷ lục 9,5%. Tuy nhiên, mức lạm phát của Ukraine lên tới 12% vào năm 2024. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Ukraine cho tới hết năm 2023 vào khoảng 152 tỷ USD. Số tiền để tái thiết dự báo lên tới gần 500 tỷ USD, gấp khoảng 3 lần GDP danh nghĩa của Ukraine.
Đối với Nga, nước này chịu thiệt hại khoảng 320 triệu USD mỗi ngày. Theo Lầu Năm góc, Moscow đã thiệt hại tổng cộng 221 tỷ USD kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.
Hơn nữa, theo Trung tâm Carnegie Eurasia, chi tiêu quốc phòng chiếm tới 40% chi tiêu của chính phủ Nga và hơn 8% GDP của nước này.
Tác động toàn cầu và khu vực, cuộc xung đột đã làm đảo lộn thị trường lương thực và năng lượng—Ukraine và Nga từng cung cấp 30% lúa mì toàn cầu. Theo tạp chí The Fortune (Mỹ), tính đến tháng 10/2022, cuộc xung đột đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1%.
Trong ba năm, ít nhất 42 quốc gia trên thế giới đã phân bổ viện trợ cho Ukraine trị giá 267 tỷ euro. Theo phân tích từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IFW), phần lớn viện trợ này dưới hình thức hỗ trợ quân sự, bao gồm vũ khí, thiết bị và đào tạo.
Cuộc xung đột cũng gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỷ người, đặc biệt là tại châu Phi và các nước thu nhập thấp.
Thực địa
Trong những ngày đầu tiên của xung đột, việc tiến quân nhanh đã giúp Nga chiếm được 27% lãnh thổ trên bộ của Ukraine vào tháng 3/2022. Sau đó, các cuộc phản công của Ukraine đặc biệt là vùng Kharkiv và Kherson đã giúp nước này giành lại được nhiều vùng đất quan trọng, giảm sự kiểm soát của Nga xuống còn khoảng 20% vào đầu năm 2023.
Kể từ đó tới nay, cuộc xung đột rơi vào trạng thái bế tắc và chỉ có những bước chậm rãi ở Donbas (Ví dụ như Avdiivka rơi vào quyền kiểm soát của Nga vào tháng 2/2024). Bên cạnh đó, Ukraine thực hiện cuộc đột kích bất ngờ vào vùng Kursk của Nga.
Các vùng lãnh thổ của Ukraine đang bị Nga kiểm soát tính đến hết năm 2024 (Ảnh: ABC News)
Nga hiện tại kiểm soát khoảng 18–20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea (sáp nhập năm 2014) và một phần Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, theo phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh.
Xung đột hiện vẫn diễn ra hàng ngày trên một tiền tuyến dài hơn 1.000km. Gần đây, xung đột tập trung ở phía Đông; chỉ riêng năm 2024, Nga đã giành được hàng nghìn km lãnh thổ ở khu vực Donetsk.
Cách đó khoảng 200 dặm về phía Đông bắc, quân đội Ukraine đang giữ lại một phần lãnh thổ của Nga ở khu vực biên giới Kursk.
Theo ISW, tổ chức theo dõi cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã chiếm giữ khoảng 4.200 km2 vào năm 2024.
Thái An/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/con-so-ton-that-khung-khiep-cua-nga-va-ukraine-sau-3-nam-xung-dot-post1156954.vov