Côn Sơn - Kiếp Bạc: Giá trị văn hóa, cảnh quan nổi bật toàn cầu

Côn Sơn - Kiếp Bạc: Giá trị văn hóa, cảnh quan nổi bật toàn cầu
2 ngày trướcBài gốc
Khu vực đền Kiếp Bạc. Ảnh: THÀNH CHUNG
Di sản riêng có
Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xác định nằm ở tầm ảnh hưởng của triều Trần hùng mạnh, có tư tưởng thân dân (một trong những triều đại phong kiến rực rỡ nhất lịch sử Việt Nam); tư tưởng và thực hành Thiền phái Trúc Lâm.
Trong câu chuyện di sản của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, nếu như các di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh) là quê hương của nhà Trần và nơi yên nghỉ của nhiều vị vua, hoàng tộc, thì Kiếp Bạc (Hải Dương) là nơi gắn với chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược cùng tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ông là người khuyên vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”. Trong tâm thức của nhân dân, Trần Hưng Đạo là thần chiến thắng, bảo vệ hòa bình, bảo hộ phụ nữ….
Vua Trần Nhân Tông là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm mang tinh thần dân tộc và tính sáng tạo của Việt Nam
Còn chùa Côn Sơn là nơi Đệ nhất tổ - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ - Pháp Loa tôn giả và Đệ tam tổ - Huyền Quang tôn giả đều về đây hoằng dương thuyết pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng chùa Hun (chùa Côn Sơn) thành chốn tổ đình gọi là liêu Kỳ Lân, một thiền viện lớn nổi tiếng của Triều Trần.
Đây là một thiền phái riêng, cắt đứt đạo thống với các thiền phái cũ vốn được du nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc, biểu hiện rõ tinh thần dân tộc và tính sáng tạo của Việt Nam. Với tinh thần “nhập thế tích cực”, gắn đạo với đời, triết lý Trúc Lâm ảnh hưởng rộng rãi, góp phần quan trọng trong việc thống nhất, phát triển đất nước, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, chủ quyền. Tư tưởng Trúc Lâm không chỉ rộng khắp Việt Nam mà còn lan sang các nước lân cận, góp phần thúc đẩy hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh ở nhiều quốc gia trong khu vực.
Ở khu di tích Côn Sơn còn thực hành kết hợp thờ cúng Phật Trúc Lâm, tổ tiên, thần linh và anh hùng dân tộc. Còn đền Kiếp Bạc là nơi thờ cúng một trong những vị thánh bất tử, vị thần hòa bình và bảo trợ của phụ nữ - Trần Hưng Đạo. Tín ngưỡng đó trải qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn là một truyền thống văn hóa sống động, được duy trì.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng có một cảnh quan văn hóa phát triển hữu cơ, thể hiện sự hòa nhập giữa con người và môi trường, thông qua việc lựa chọn các địa điểm tự nhiên phù hợp để sinh sống và thực hành tôn giáo, sử dụng vật liệu tự nhiên trong xây cất, sinh hoạt (lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men) cũng như những hiểu biết sâu sắc về môi trường tự nhiên trong quân sự.
Tính xác thực và toàn vẹn
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng nhằm tái hiện hào khí Đông A hào hùng một thuở của quân dân nhà Trần. Ảnh: THÀNH CHUNG
Các nhà khoa học tham gia xây dựng hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc cho rằng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xác định và xác minh từ các nguồn thông tin đáng tin cậy. Đó là những tư liệu chắt lọc từ biên niên sử Việt Nam, các tài liệu tôn giáo cổ, kinh Phật, thơ phú, hàng trăm văn bia tại các địa điểm, cùng với các bản đồ và chữ khắc cổ. Nhiều nguồn thông tin truyền khẩu quan trọng như các nghi thức trong lễ hội, nghi lễ thờ thần thánh, tụng kinh, kể chuyện, truyền thuyết... Các màn trình diễn đặc biệt cũng được tổ chức như đấu võ, đánh trận giả, chèo thuyền, các trò chơi và hội thi.
Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết tầm quan trọng và giá trị nổi bật toàn cầu của các địa điểm, cấu trúc trong khu di tích là tính xác thực liên quan đến một thời kỳ lịch sử rực rỡ, câu chuyện về một thiền phái Phật giáo độc đáo và vai trò của nó trong xã hội, quốc gia.
Được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Xung quanh các di tích đều có vùng bảo vệ cảnh quan chung, được gọi là vùng đệm. Các vùng đệm đủ rộng để có thể bảo vệ các giá trị của khu di tích khỏi các tác động bên ngoài.
Côn Sơn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa. Ảnh: THÀNH CHUNG
Theo tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với nỗ lực bảo vệ các di tích hiện hữu, Hải Dương đã nghiên cứu, phục dựng các công trình kiến trúc của khu di tích từng có trong lịch sử, dựa theo những tư liệu (văn bia, thần tích) và kết quả khảo cổ học như tòa Cửu Phẩm liên hoa, Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tả hữu hành lang chùa Côn Sơn...
Thời gian tới, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo UBND TP Chí Linh, các ban, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Dự án Sinh thái Hồ Thanh Long (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc) để triển khai thực hiện. Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đang phối hợp Viện Du lịch bền vững Việt Nam xây dựng Đề án Phát triển khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn năm 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đà phát triển cho du lịch. Mục tiêu phấn đấu đưa khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn năm 2025-2030.
Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO và đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để xét công nhận di sản thế giới. Dự kiến, khi được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ đón khoảng 4 triệu khách/năm.
PV
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/con-son-kiep-bac-gia-tri-van-hoa-canh-quan-noi-bat-toan-cau-401350.html