Con tôm oằn mình 'cõng' thuế

Con tôm oằn mình 'cõng' thuế
9 ngày trướcBài gốc
Trở lại với câu chuyện về thuế AD và CVD mà con tôm Việt Nam đang gánh tại thị trường Mỹ. Theo đó, từ cuối năm 2003, con tôm Việt Nam chính thức bị nguyên đơn từ Mỹ khởi kiện chống bán phá giá. Sau thời gian nỗ lực chứng minh, đến năm 2015, thuế AD dành cho con tôm Việt Nam đã chính thức về 0%, góp phần đáng kể để giữ vững thị trường Hoa Kỳ từ đó đến nay. Cũng liên quan đến loại thuế này, theo các luật sư tư vấn, kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (PR19) sẽ có vào tháng 7 tới đây và kết quả cuối cùng sẽ được phía Mỹ công bố vào tháng 12/2025. Theo luật sư tư vấn của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sổ sách đã báo cáo của doanh nghiệp trong đợt xem xét lần này rất tốt, nên có khả năng, con tôm Việt Nam tiếp tục hưởng mức AD 0%.
Với mức thuế 46% như đã công bố, tới đây, ngành tôm sẽ càng thêm khó khi xâm nhập thị trường Mỹ. Ảnh: TÍCH CHU
Sau thuế AD, năm 2023, con tôm Việt Nam tiếp tục bị kiện CVD tại thị trường này, với mức thuế sơ bộ được áp dụng là 2,84%. Theo thông tin từ VASEP, vụ kiện CVD sẽ được xem xét lại lần thứ nhất vào cuối năm nay, lấy hoạt động của doanh nghiệp năm 2024 làm nền kiểm tra. Trong khi 2 loại thuế trên vẫn đang ít nhiều làm khó con tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ thì mới đây, vào lúc 16 giờ ngày 2/4 (giờ Washington DC), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa các nước nhập khẩu vào Mỹ, trong đó, mức thuế dành cho hàng hóa Việt Nam là rất cao, lên đến 46%. Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, mức thuế mới này, cùng với thuế AD và CVD khiến con tôm Việt Nam cõng oằn vai 3 thứ thuế khi vào thị trường Mỹ.
Đối với thuế AD và CVD, theo ông Lực, các doanh nghiệp Việt có thể ứng xử xử lý cùng nguyên đơn và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Còn thuế nhập khẩu là chuyện của 2 chính phủ, nên doanh nghiệp chỉ chờ đợi. Cũng theo ông Lực, thực ra các doanh nghiệp Việt Nam đâu ai bán phá giá cho mất tiền lỗ lã và chúng ta đủ tự tin và năng lực giải trình, thuyết phục DOC nếu bên đó có cử người qua kiểm tra thực tế. “Ngành tôm Hoa Kỳ giảm sức cạnh tranh so tôm nhập khẩu vì họ nuôi tôm đâu có kết quả tốt như các nước khác, vì cơ sở chế biến của họ nhỏ và đẳng cấp không cao mà thôi”, ông Lực chia sẻ.
Một khi việc xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ gặp khó khăn, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn. Ảnh: TÍCH CHU
Trao đổi với người viết về tác động của thuế nhập khẩu đối ứng mới này, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty Camimex (Cà Mau) cho biết, vấn đề này còn quá mới nên doanh nghiệp cũng chưa thể đánh giá hết tác động của mức thuế này. Riêng đối với Camimex, do lượng tôm xuất khẩu chủ yếu vào thị trường châu Âu, Nhật… còn thị trường Mỹ không nhiều nên tác động nhìn chung là không lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tầm vĩ mô mà nói, mức thuế nhập khẩu đối ứng này sẽ tác động rất lớn đến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có con tôm. Ông Sơn cho biết thêm: “Một khi việc xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ gặp khó khăn, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn. Khi đó, sự cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn và các nhà nhập khẩu cũng sẽ không bỏ qua cơ hội ép giá”.
Theo VASEP, mức thuế này được tính toán dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương và phản ánh nỗ lực của Mỹ trong việc tái cân bằng thương mại toàn cầu và gây áp lực lên các đối tác thương mại. Mức thuế này có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Mỹ xác định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách đối xử không tương hỗ cơ bản đã được giải quyết hoặc giảm thiểu. Ngoài ra, nó còn cho phép Tổng thống Mỹ được quyền tăng thuế nếu các đối tác thương mại trả đũa hoặc giảm thuế nếu họ có những bước đi đáng kể để khắc phục các thỏa thuận thương mại không tương hỗ và phù hợp với Mỹ về các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia.
Thuế nhập khẩu đối ứng lần này đã không còn là câu chuyện của doanh nghiệp Việt Nam với các nguyên đơn và DOC nữa mà là câu chuyện giữa 2 chính phủ. Cũng cần thông tin thêm rằng, Việt Nam đã chủ động có những bước đi đầu tiên trong việc ứng phó với chính sách thuế đối ứng này thông qua việc giảm thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, như: ôtô, Ethanol, đùi gà đông lạnh… trước khi Tổng thống Mỹ ban hành sắc thuế nhập khẩu đối ứng mới này. Đồng thời, giảm thâm hụt thương mại thông qua nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong 2 tháng đầu năm cũng đã tăng 17,7% so với cùng kỳ. Hy vọng, với các bước đi rất thiện chí từ phía Việt Nam, sẽ giúp hàng hóa Việt Nam (trong đó có con tôm) không phải chịu mức thuế cao như đã công bố.
TÍCH CHU
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202504/con-tom-oan-minh-cong-thue-f46595a/