Ngay sau quyết định hoãn thuế 90 ngày, các doanh nghiệp ngành tôm tạm thở phào nhẹ nhõm đôi chút và nhanh chóng liên hệ đối tác để đẩy nhanh việc giao nhận các lô hàng đã ký kết có thời hạn giao nhận trong khoảng thời gian này. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng hy vọng sẽ có nhiều đối tác Mỹ gom thêm hàng trước khi thuế đối ứng chính thức có hiệu lực sau 90 ngày. Và xa hơn là một mức thuế nhập khẩu không quá chênh lệch giữa các nước xuất khẩu tôm vào Mỹ để con tôm Việt Nam vẫn giữ được thị trường này.
Dù đã xây dựng các kịch bản ứng phó nhưng doanh nghiệp ngành tôm vẫn kỳ vọng diễn biến tiếp theo của thuế đối ứng sẽ ở mức chấp nhận được để con tôm Việt Nam trụ vững ở thị trường Mỹ. Ảnh: TÍCH CHU
Liên quan đến câu chuyện, liệu đối tác Mỹ có gom hàng trong thời gian chờ thuế 90 ngày hay không, giám đốc một doanh nghiệp ngành tôm cho rằng, hiện tại, phía Mỹ, các đối tác cũng đang chờ quyết định cuối cùng từ chính quyền ông Trump. Do đó, việc các đối tác có gom hàng hay không vẫn chưa có gì là rõ ràng, mà tất cả còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng về chính sách thuế. Hơn nữa, nếu ký hợp đồng vào thời điểm này, tính ra doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30 ngày để chế biến và giao hàng. Đó là chưa kể giá tôm trong nước đang cao, nhưng nguồn cung không thật sự dồi dào, nên doanh nghiệp muốn có đủ tôm nguyên liệu trong thời gian ngắn này là không hề đơn giản. Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp chỉ tập trung giao hàng trong khoảng thời gian này để hoàn tất các đơn hàng đã ký kết, sau đó mới tính tiếp.
Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng về mức thuế đối ứng, các doanh nghiệp cũng đã xây dựng cho riêng mình các kịch bản có thể xảy ra cùng đối sách để ứng phó. “Trong trường hợp xấu nhất là mức thuế 46% được giữ nguyên đối với tôm Việt Nam, còn các nước khác thì xoay quanh mức 20% doanh nghiệp sẽ xử lý thế nào”? Câu hỏi trên của chúng tôi đã nhận được câu trả lời rất nhanh và có phần dí dỏm từ các doanh nghiệp: “Chúng tôi sẽ tạm dừng cuộc chơi tại thị trường Mỹ để tập trung chuyển hướng sang những thị trường lớn còn lại, như: Trung Quốc, Nhật, EU, Hàn Quốc, Australia, Canada…”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tự tin cho rằng, mức thuế cuối cùng đối với con tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ chắc chắn sẽ không ở mức quá cao như hiện tại vì theo phân tích của họ, mức thuế 46% chỉ mang tính giả định nhiều hơn là thực tế. Do đó, có dự báo cho rằng mức thuế cuối cùng nhiều khả năng cao nhất cũng chỉ vào khoảng 23%. Khi đó, nếu đối thủ còn lại của con tôm Việt Nam bị áp mức thuế 20%, thì con tôm Việt Nam vẫn còn cơ hội cạnh tranh tại thị trường này. Lý giải thêm về điều này, theo các doanh nghiệp, hiện đối thủ lớn của tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ là tôm của Ecuador và Ấn Độ nhờ vào lợi thế giá rẻ. Tôm của Ấn Độ hay Ecuador tuy giá rẻ nhưng họ chủ yếu xuất thô, vì thiếu lao động, thiếu công nghệ chế biến sâu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tôm Việt Nam đều đầu tư mạnh vào chế biến sâu, đủ tiêu chuẩn xuất vào các hệ thống phân phối cao cấp tại Mỹ, giá trị cao. Đây là điểm khác biệt lớn.
Từ đây cho thấy, vấn đề không hẳn nằm ở mức thuế cao hay thấp mà còn ở sự chênh lệch về thuế đối ứng giữa Việt Nam và đối thủ. Hay nói một cách khác, nếu Việt Nam bị áp thuế cao, nhưng đối thủ cũng bị cao tương tự, thì sự cạnh tranh không quá chênh lệch. Cạnh tranh tại thị trường Mỹ rất gay gắt, bởi đây là thị trường có biên lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các thị trường. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một thị trường có quy mô tiêu thụ rất lớn. Chính vì dung lượng lớn, nên có độ dung sai giá cao - nghĩa là nếu sản phẩm của mình chất lượng hơn, có thể giá cao hơn 10% vẫn bán được. Bởi vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng duy trì, giữ vững thị trường này, nhằm ổn định sản xuất, giữ chân lao động, duy trì doanh thu, chủ động về dòng tiền cũng như giữ nhịp thị trường.
Mặc dù các dự đoán đều cho rằng khả năng từ bỏ thị trường Mỹ của doanh nghiệp tôm là rất thấp, nhưng các doanh nghiệp đều có phương án riêng một khi buộc phải từ bỏ thị trường này. Thậm chí có doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc mất hẳn thị trường Mỹ từ 5 năm trước, nhưng cũng thừa nhận chắc chắn việc từ bỏ này sẽ có tác động đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian nhất định vì dẫu sao đây cũng là một thị trường lớn của con tôm Việt Nam, chiếm đến 30% tổng sản lượng xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam.
Thời gian vẫn còn để các doanh nghiệp đề ra đối sách phù hợp cho mục tiêu trước mắt và chuẩn bị các bước tiếp theo cho một chiến lược lâu dài. Hy vọng, mọi thứ vẫn có thể nằm ở mức chấp nhận được như kỳ vọng của doanh nghiệp để ngành tôm đủ sức vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới.
TÍCH CHU