Gần 103.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội thi vào lớp 10, trong đó trường THPT công lập chỉ tuyển khoảng 80.000 em. Như vậy, sau kỳ thi, có khoảng 23.000 em trượt tất cả các nguyện vọng.
Bên cạnh niềm vui sướng, vỡ òa hạnh phúc của nhiều thí sinh và người thân vẫn còn hàng chục nghìn em phải nhận nỗi buồn, sự hụt hẫng khó có thể lấp đầy.
Trên các diễn đàn mạng, phụ huynh chia sẻ sự tiếc nuối khi có những con chỉ thiếu 0,25 điểm nữa thôi là con đã trúng tuyển.
Người mẹ và dì ôm hoa chờ con trước điểm thi THPT Trần Phú từng chia sẻ với PV: "Con đã rất nỗ lực nên có trượt cũng sẽ tiếc nuối".
“Đêm qua là một đêm thức trắng của hai mẹ con bởi con đã trượt tất cả các nguyện vọng. Trong các lần thi thử con đều đạt điểm cao nên mẹ chủ quan không đăng ký trường tư dự phòng, giờ không biết phải làm sao”, là tâm tư của một người mẹ có con thi trượt.
Không thất vọng vì một bài thi
Gần 103.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội thi vào lớp 10, trong đó trường THPT công lập chỉ tuyển khoảng 80.000 em. Như vậy, sau kỳ thi, có 23.000 em trượt tất cả các nguyện vọng.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) nhắn nhủ học sinh: Các con đã nỗ lực rất nhiều suốt cả chặng đường dài nên hôm nay, kết quả dù không được như ý muốn cũng hãy đón nhận với tâm thái hết sức bình thản. Chúng ta nên hiểu rằng, trong thi cử, đỗ - trượt là chuyện bình thường.
“Hỏng thi không phải là con đường cùng, các em không nên cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng mà cần tìm con đường đi khác để đến đích mình mong muốn”, bà Yến nói.
Bà Yến cũng cho rằng, thái độ, cách nhìn nhận, ứng xử với “thất bại đầu đời” cũng sẽ góp phần quyết định con đường dài rộng phía trước của học sinh. Vẫn có rất nhiều con đường, sự lựa chọn nên bà mong học sinh bình tâm, nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, cùng gia đình chọn hướng đi mới như học trường tư, học nghề…
Cha mẹ, thầy cô giống nhau ở điểm đó là luôn dành sự yêu thương, kỳ vọng vào học sinh, con cái và không bao giờ “thất vọng” chỉ vì các em có kết quả thi chưa tốt.
Người lớn thấu hiểu câu chuyện thi trượt ở góc nhìn đa diện hơn, có thể ví như liều vắc xin giúp tăng khả năng miễn dịch với nhiều tình huống, thử thách với các em trong cuộc sống. Với cuộc sống dài rộng, thất bại trong chuyện này, chuyện khác đối với mỗi người là không tránh khỏi, điều quan trọng là ta ứng phó với thất bại như thế nào.
“Có người chìm nghỉm trong nỗi buồn, có người mạnh mẽ đứng lên, đi tiếp bằng con đường khác, có thể là đường vòng, xa hơn, khó khăn hơn nhưng đều có đích đến như nhau mà vinh quang cũng chẳng kém”, Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) nhắn nhủ học sinh.
Với phụ huynh, những người đã đồng hành cùng con chắc hẳn đã đặt nhiều kỳ vọng tuy nhiên khi con thi trượt, đây là lúc cần thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự khích lệ để con thấy nỗi buồn nhỏ như hạt cát. Cha mẹ cần hạn chế biểu cảm nỗi lo lắng để không chất thêm gánh nặng lên vai các con. Ngày nay, nền giáo dục đã chủ động mở ra nhiều hướng đi, cơ hội cho học sinh lựa chọn.
Thành công trên đường đời có nhiều lối đi khác nhau, không nhất thiết phải là con đường cha mẹ đã định ra hoặc hình dung. Con có thể đi nhanh, đi chậm, miễn là vẫn tiếp tục nỗ lực để đạt được ước mơ thì đích đến nào cũng vinh quang và đáng ghi nhận.
“Dù có thất bại đầu đời nhưng tôi tin, các em được đón nhận đủ đầy tình cảm ấp áp của bố mẹ, người thân, thầy cô các con sẽ càng tin tưởng, nỗ lực để tiếp tục học tập”, bà Yến nói.
Phản ứng cha mẹ quan trọng hơn điểm số
Thạc sỹ Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nói rằng, với học sinh ở tuổi 15, trượt lớp 10 công lập có thể là một cú “sốc”. Phản ứng đầu tiên sẽ là những giọt nước mắt, sự im lặng kéo dài, hay ánh mắt ngại ngùng nhìn cha mẹ..., thậm chí có em cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng. Những phản ứng, cảm xúc đó hoàn toàn bình thường.
Trong tâm lý học, đây là giai đoạn sốc - phủ nhận - buồn bã - và cần thời gian để điều chỉnh. Không phải kết quả gây đau, mà chính là sự gắn bó kỳ vọng quá lớn vào một lối đi duy nhất.
Theo ông Sơn, cha mẹ cần nói với con, trượt công lập không đồng nghĩa với việc kém cỏi.
Nhiều học sinh, cha mẹ nghĩ rằng, trượt công lập là bằng chứng, "không giỏi", "vô dụng", "mất tương lai". Đây là suy nghĩ cực đoan, đến từ tâm lý đồng nhất giá trị bản thân với kết quả thi cử. Trong khi đó, thành công thật sự đến từ khả năng thích nghi, tinh thần vượt khó và biết đứng dậy sau thất bại. Những người trưởng thành vững vàng sau này thường là những người đã từng nếm trải vấp ngã mà không đánh mất chính mình.
Ông Sơn nhấn mạnh, thời điểm này, phản ứng của cha mẹ quan trọng hơn cả điểm số. Trách mắng, chì chiết hay so sánh con với người khác sẽ khiến trẻ khép lòng, tổn thương và có thể sụp đổ nội tâm.
Điều trẻ cần nhất lúc này là một câu nói: “Không sao, bố mẹ vẫn tin con có thể bước tiếp.”
"Đồng hành đúng lúc, không làm thay, không bỏ mặc sẽ là chiếc cầu giúp con vượt qua “giai đoạn chuyển gió” này một cách an toàn", ông Sơn nói.
Học sinh nên làm gì sau thất bại đầu đời?
Chuyên gia tâm lý khuyên học sinh, thay vì chỉ nghĩ "học trường nào", hãy thử đặt lại câu hỏi: “Mình muốn sống như thế nào? Mình học vì điều gì?”. Bao nhiêu em học tại các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên đều là lựa chọn giá trị nếu được đi kèm với mục tiêu rõ ràng và người đồng hành vững vàng.
Các em cần nghĩ rằng, trượt không đáng sợ, đánh mất mình sau cú trượt mới đáng sợ. Trượt công lập không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho một lối rẽ khác. Quan trọng là em đừng định nghĩa mình bằng một cánh cửa vừa đóng, mà hãy tin vào những lối mở khác đang chờ phía trước.
Cuối cùng, ông Sơn khuyên học sinh, sau kỳ thi, em có thể học gì từ chính mình hôm nay để mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. Và rồi, em sẽ hiểu, có những cánh cửa đóng lại là để mình tìm thấy con đường khác cũng đầy hay ho, thú vị.
"Các em cần nghĩ rằng, trượt không đáng sợ, đánh mất mình sau cú trượt mới đáng sợ. Trượt công lập không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho một lối rẽ khác", Chuyên gia tâm lý, Nguyễn Đình Sơn.
Hà Linh