Công an Bình Dương bày cách để người dân tránh lừa đảo qua mạng

Công an Bình Dương bày cách để người dân tránh lừa đảo qua mạng
2 tháng trướcBài gốc
Thời gian gần đây, lực lượng công an và các cơ quan báo chí đã liên tục tuyên truyền nên người dân đã phần nào nâng cao tinh thần cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo qua mạng.
Vì vậy, nhiều người dân đã kịp thời phát hiện hiện thủ đoạn của tội phạm.
Cụ ông, cụ bà suýt mất hàng trăm triệu
Ngày 5-11, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an Bình Dương cho biết vừa kịp thời ngăn chặn ông Phạm Văn T (72 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) chuyển 500 triệu cho kẻ lừa đảo qua mạng.
Chiêu thức lừa đảo cũ nhưng một số người dân vẫn 'sập bẫy'. Ảnh: CA
Theo PA05, người nhà của ông T cho biết sau khi nghe nhiều cuộc gọi điện thoại của người lạ, ông T đã cầm sổ tiết kiệm có trị giá gần 500 triệu đồng rồi đi đâu không rõ. Gọi điện thoại thì ông T khóa máy nên gia đình nghi ngờ ông T bị lừa đảo.
Nhận được tin báo, PA05 đã phối hợp với Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương (nơi ông T gửi tiền) để rà soát thông tin.
Đúng như dự đoán, khi thấy ông T đến ngân hàng rút toàn bộ tiền từ sổ tiết kiệm để chuyển qua tài khoản khác thì PA05 và phía ngân hàng đã kịp thời ngăn chặn.
Làm việc với công an, ông T cho biết một người tự xưng là Công an TP Đà Nẵng nói ông có liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Nếu ông T muốn thoát tội thì không được cho ai biết dù là người nhà.
Chúng yêu cầu ông T phải kê khai tài sản và giao cho kẻ lừa đảo giữ, khi nào xong vụ việc sẽ hoàn trả lại. Vì quá lo sợ, ông T đã nghe lời và làm theo.
Còn bà Đặng X (61 tuổi, ngụ TP Bến Cát) cũng suýt mất 500 triệu cũng với chiêu thức “cũ rích”.
Cụ thể, qua mạng xã hội bà X kết bạn và nói chuyện với một người nước ngoài.
Sau đó, người này gửi tiền 3,5 triệu USD về cho bà X. Nhưng sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu bà X phải chuyển tiền cho cơ quan thuế thì mới nhận được tiền.
Tuy nhiên, khi bà X đang định chuyển hơn 500 triệu cho kẻ lừa đảo thì nhân viên ngân hàng đã phát giác và báo công an để ngăn chặn.
Theo PA05, thủ đoạn lừa đảo này không mới, nhưng những kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý và sự kém hiểu biết của người dân để lừa đảo. Rất may trong trường hợp này, người nhà và nhân viên ngân hàng đã kịp thời phát giác và báo cơ quan công an để ngăn chặn.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, PA05 Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 33 tin báo tố giác liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 48 tỉ đồng.
PA05 đã phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng ngăn chặn hơn 30 tài khoản ngân hàng giao dịch có liên quan đến những kẻ lừa đảo.
Kịp thời phong tỏa tài khoản của kẻ lừa đảo
Còn chị Kiều O (30 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) cũng rất may mắn khi mới chỉ mất vài chục triệu, trong tổng số hơn 250 triệu đồng có trong tài khoản.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng. Ảnh: LA
Trường hợp của chị O đặc biệt hơn, khi chị đã bị mất sạch tiền trong tài khoản. Nhưng chị đã kịp thời báo cơ quan công an và được lực lượng công an phối hợp với ngân hàng nhanh chóng phong tỏa tài khoản của kẻ lừa đảo.
Theo PA05, chị O nhận được điện thoại từ một người tự xưng là cán bộ Công an TP Thủ Dầu Một, yêu cầu chị O cập nhật định danh điện tử mức 2 bằng cách cài đặt ứng dụng dịch vụ công (ứng dụng giả mạo) thông qua đường link do kẻ lừa đảo cung cấp.
Tưởng thật, chị O đã thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, sau khi cài ứng dụng và cập nhật thông tin thì chị chị O phát hiện số tiền hơn 250 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đã “không cánh mà bay”.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, PA05 đã phối hợp với các ngân hàng rà soát giao dịch chuyển tiền liên quan đến số tiền của bị hại.
Sau khi rà soát nhanh, lực lượng công an phát hiện số tiền trên đã bị kẻ lừa đảo chuyển đến một tài khoản của ngân hàng.
Sau đó, phía công an và ngân hàng đã phối hợp phong tỏa tài khoản này. Qua đó, đã ngăn chặn được số tiền 230 triệu đồng trong tài khoản mà kẻ lừa đảo chưa kịp tẩu tán.
Theo PA05, hiện nay có rất nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng. Ngoài những chiêu thức cũ thì xuất hiện thêm những chiêu thức mới. Nếu như người dân không tỉnh táo thì rất dễ “sập bẫy”.
Khuyến cáo của Công an Bình Dương
Qua các vụ việc trên, PA05 Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác. Cụ thể:
Không nên tin tưởng và liên lạc với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại.
Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế, công an…
Không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
Không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền giúp bất cứ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển).
Khi có tình huống bất thường xảy ra với bản thân, hãy tìm và nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh, không để các đối tượng thao túng tâm lý.
Khi gặp tình huống giống như trên lập tức ngắt điện thoại, bình tĩnh suy nghĩ về sự việc hoặc liên hệ với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Hoặc gọi vào số 0274.381.55.05, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương để được hỗ trợ hướng dẫn xử lý.
LÊ ÁNH
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/cong-an-binh-duong-bay-cach-de-nguoi-dan-tranh-lua-dao-qua-mang-post818297.html