Công an Vĩnh Phúc xử lý mạnh tay với thực phẩm giả, độc hại

Công an Vĩnh Phúc xử lý mạnh tay với thực phẩm giả, độc hại
8 giờ trướcBài gốc
Kinh hoàng những vụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc
Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2024 đến nay, cơ quan Công an phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện 9 vụ/15 đối tượng có hành vi “Buôn bán hàng giả” và “Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Kết quả xử lý đã khởi tố 9 vụ/15 bị can (theo Điều 192 và 193 BLHS). Trong đó, đặc biệt có 3 vụ/ 3 bị can thực hiện hành vi buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm với hàng hóa vi phạm gồm: 4224 hộp mứt tết, 3720 chai mật ong với tổng giá trị hàng là 145.361.000 đồng, gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Chi cục QLTT tỉnh kiểm tra, phát hiện 1.415 chiếc túi xách bằng vải giả nhãn hiệu và hình của GUCCI.
Thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng là mua nguyên liệu, bao bì trôi nổi trên thị trường, rồi đóng gói và gắn nhãn hàng hóa ghi giả mạo tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất, giả mạo về nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa. Ngoài ra, một số đối tượng còn có hành vi sản xuất hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
Về vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP), Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố 2 vụ án/2 bị can về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm quy định tại Điều 193, Bộ luật Hình sự; xử phạt vi phạm hành chính 368 đối tượng và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP 366 đối tượng, tổng số tiền phạt là 932.517.500 đồng, chuyển 2 vụ cho Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh đã phát hiện 9 cơ sở có vi phạm hành chính về ATTP, các ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở này, số tiền phạt 108 triệu đồng.
Trong ngày 7/5, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp với Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Hộ kinh doanh Hoàng Trọng Sang, địa chỉ thôn Đông Đình, xã Lương Điền, huyện Vĩnh Tường. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán linh kiện, phụ kiện điện thoại các loại do nước ngoài sản xuất gồm: 2850 chiếc gioăng áp điện thoại; 330 chiếc gioăng kính điện thoại; 986 chiếc kính màn hình điện thoại; 58 chiếc khung máy điện thoại; 227 chiếc ính cảm ứng điện thoại; 300 chiếc chân sạc điện thoại đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Đoàn kiểm tra kết luận cơ sở kinh doanh hàng hóa là phụ kiện điện thoại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo niêm yết là trên 53 triệu đồng. Hiện, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
Mới đây, ngày 13/5, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường chủ trì, phối hợp với Chi cục QLTT và Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra tại nhà hàng Thanh Mai, địa chỉ tổ dân phố Đông Thành, phường Đồng Tâm, TPVĩnh Yên (Vĩnh Yên).
Thời điểm này, lực lượng chức năng liên ngành phát hiện có 22 con lợn, tổng khối lượng 1.073kg, đã được mổ moi bỏ nội tạng, có biểu hiện xuất huyết ngoài da, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thú y, được để trên nền bê tông của vỉa hè trước cửa nhà hàng, đang được sơ chế để chuẩn bị quay nướng. Chủ nhà hàng là Phạm Ngọc Hưng (SN 1985), trú tại xã Hội Thịnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Kết quả xác minh ban đầu, lực lượng chức năng liên ngành xác định, số lợn trên là của Bùi Văn Thảo (SN 1994), trú tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường. Được biết, Bùi Văn Thảo làm nghề kinh doanh dịch vụ cung cấp thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.
Ngày 9/5, Bùi Văn Thảo được một người đàn ông đặt quay nướng 22 con lợn để cung cấp thực phẩm cho một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên vào sáng 14/5. Bùi Văn Thảo đã liên hệ với một người đàn ông tên Bình, ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên để thu mua số lợn trên, sau đó chở đến cơ sở giết mổ tại phường Đồng Tâm và tiếp tục chở đến nhà hàng Thanh Mai để thuê quay nướng. Khi đang chuẩn bị quay nướng thì bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra.
Với số lợn trên, Thảo không cung cấp và xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tình trạng dịch tễ. Lực lượng chức năng liên ngành đã tiến hành lập biên bản sự việc, buộc tiêu hủy số lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm nêu trên.
Siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra
Ngày 9/5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn thực phẩm đến các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND phường, xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng. Kịp thời phát hiện các cơ sở sản xuất có dấu hiệu sản xuất thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật…
Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian tới tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng không chỉ chủ động tổ chức kiểm tra định kỳ mà còn triển khai các đợt kiểm tra đột xuất, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân, cẩn thận khi mua hàng online, nên mua sản phẩm từ các kênh bán hàng uy tín, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận chất lượng.
Kiểm tra tem nhãn và bao bì: Sản phẩm chính hãng thường có tem chống giả, mã QR hoặc mã vạch để người tiêu dùng có thể kiểm tra. Thông tin về nguồn gốc sản phẩm: Cần tìm hiểu kỹ về nhà sản xuất và các chứng nhận an toàn của sản phẩm trước khi quyết định mua. Cảnh giác với giá rẻ bất thường: Các sản phẩm có giá thấp bất thường so với thị trường có thể là hàng giả, hàng nhái. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa nghi ngờ giả mạo, hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu mất an toàn, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Minh Hiền
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-vinh-phuc-xu-ly-manh-tay-voi-thuc-pham-gia-doc-hai--i768526/