Hình ảnh chụp được về các vết đen trên bề mặt Mặt Trời. Ảnh: NSO.
Theo các hình ảnh, một nhóm vết đen Mặt Trời - có diện tích ngang với các lục địa trên trái đất - đã được phát hiện gần trung tâm vùng khí quyển trong của Mặt Trời.
Hình ảnh được xử lý nhờ vào một bộ lọc mới của kính viễn vọng, vốn có khả năng chụp hình ảnh rõ nét, ba chiều của bề mặt Mặt Trời, các nhà nghiên cứu cho biết. Độ phân giải của các bức ảnh lên tới khoảng 10km mỗi pixel. Theo CNN, chúng được chụp hồi đầu tháng 12/2024.
“Đây là điều không công cụ nào khác trong kính viễn vọng có thể làm được”, tiến sĩ Stacey Sueoka, chuyên gia quang học tại Trạm Quan sát Mặt Trời Quốc gia Mỹ (NSO), nhận xét.
Vết đen là những vị trí trên bề mặt Mặt Trời có hoạt động từ trường diễn ra mạnh. Hình ảnh thu được sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ và dự đoán chính xác hơn các hoạt động của Mặt Trời, theo ông Friedrich Woeger, một trong những nhà khoa học trong chương trình kính viễn vọng DKIST.
“Một cơn bão mặt trời hồi những năm 1800 (Sự kiện Carrington) từng mạnh đến mức khiến các trạm điện tín bị cháy”, ông Woeger nói với CNN. “Chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này và khả năng chúng tác động tới các công nghệ và cuộc sống của chúng ta”.
Hồi tháng 10/2024, các nhà khoa học Mỹ đánh giá Mặt Trời đang trong giai đoạn hoạt động mạnh mẽ nhất, cũng là lúc các vết đen xuất hiện trên bề mặt Mặt Trời nhiều nhất.
Hà Thủy