Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở tại xóm Rài, xã Tuân Đạo và xóm Rằng, xã Cao Sơn

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở tại xóm Rài, xã Tuân Đạo và xóm Rằng, xã Cao Sơn
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh ký Quyết định số 1855-QĐ/UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn và xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Điểm sạt lở khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo kéo dài khoảng 800 mét, nguy cơ trượt sạt rất cao.
Khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 10/2017 đã xảy ra hiện tượng sụt lún hư hỏng một số nhà cửa; sau hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2024 từ ngày 8 - 14/9 có nhiều đợt mưa lớn kéo dài, đã xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài (có nhiều vết nứt, sụt lún dài từ 1 đến 3m sâu từ 2 đến 3m và dài khoảng trên 800m, ngoài ra còn nhiều vết nứt nhỏ, phạm vi ảnh hưởng khoảng 7ha). Hiện tượng sụt lún tại khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo nguy cơ làm ảnh hưởng đến 111 hộ với 539 nhân khẩu (xóm có 24 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo), trong đó phạm vi khu vực ảnh hưởng nghiên trọng đã phải di chuyển khẩn cấp 60 hộ với 278 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân. Nhiều hộ đã nứt nhà, sụt lún móng nhà, hư hỏng nhà và nguy cơ cao sạt lở bất cứ lúc nào, ước tính lượng đất đá nếu sạt xuống vào khoảng 7 đến 8 triệu m3.
Đến thời điểm hiện tại các điểm nứt, sụt lún vẫn tiếp tục phát triển rộng thêm và có nguy cơ sạt trượt trên diện rộng, đặc biệt khi có mưa, đất đá bão hòa. Ngoài ra, nhiều vị trí có mạch nước ngầm chảy lên mặt đất, nhiều điểm đất nhão thành bùn, lún và tạo thành hốc sâu khoảng 1 đến 3m. Nhiều diện tích rừng trồng và cây cối của nhân dân gãy đổ do mất kết dính, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của người dân và các công trình hạ tầng như nhà, đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc...
Do ảnh hưởng mưa lớn của cơn bão số 3, ngày 12/9/2024 tại địa phận xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) có xuất hiện vết nứt và tiếng nổ lớn tại đồi Ao Ếch phía sau xóm Rằng, có nguy cơ rất cao sạt trượt xuống khu vực cụm dân cư. Sáng ngày 13/9/2024 tiếp tục xuất hiện các vết nứt và sụt lún dạng bậc thang, tại điểm lớn nhất có độ cao khoảng 200m và xuất hiện cung trượt dài khoảng 500m, với khối lượng đất, đá sạt trượt rất lớn. Chiều ngày 13/9/2024, chính quyền địa phương tiếp tục di dời các hộ dân còn lại trong khu vực nguy cơ, tổng số hộ dân đã sơ tán là 30 hộ với 126 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện tượng sụt lún tại khu vực xóm Rằng, xã Cao Sơn nguy cơ làm ảnh hưởng đến 30 hộ và 2 điểm trường (trường mầm non xóm Rằng và trường Tiểu học và Trung học cơ sở sóm Rằng). Đến thời điểm hiện tại các điểm nứt, sụt lún vẫn tiếp tục phát triển rộng thêm và có nguy cơ sạt trượt trên diện rộng, đặc biệt khi có mưa, đất đá bão hòa. Việc sạt lở có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của người dân và các công trình như nhà, đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc và 2 điểm trường.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn và UBND huyện Đà Bắc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở ổn định chỗ ở tại nơi di dời, hỗ trợ người dân đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu; tiếp tục duy trì các lực lượng thường xuyên kiểm tra theo dõi diễn biến sạt lở, căng dây cắm biển cảnh báo, kiên quyết không cho người dân quay về nơi ở cũ khi chưa đảm bảo an toàn, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp tục các biện pháp khẩn cấp áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nêu trên; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện kịp thời ứng phó khi có tình huống phát sinh xảy ra.
Rà soát, đề xuất phương án di dân tái định cư, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ để khẩn trương thực hiện hoàn thành trong năm 2024, trường hợp vượt khả năng kinh phí của địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài chính để nghiên cứu bố trí. Rà soát các vị trí xác định khu tái định cư phù hợp với Quy hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, phương án sử dụng đất, tài nguyên, phương án giải phóng mặt bằng tái định cư (nếu có); vị trí khu vực bố trí tái định cư phải đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài cho người dân; trường hợp cần ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Khi kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để làm cơ sở công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các sở, ngành chức năng phối hợp triển khai các biện pháp trước mắt, lâu dài đảm bảo an toàn cuộc sống người dân.
L.C
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/50/193698/cong-bo-tinh-huong-khan-cap-ve-thien-tai-gay-sat-lo-tai-xom-rai,-xa-tuan-dao-va-xom-rang,-xa-cao-son.htm