Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho biết, công chức bị phạt tù treo vẫn có thể tiếp tục làm việc.
Một công chức bị tuyên phạt 12 tháng tù treo
Một số bạn đọc phản ánh tới PL&XH về việc, trong thời gian làm công chức địa chính – xây dựng tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thụ và một số cán bộ ở xã này vi phạm pháp luật hình sự. Trong đó, ông Nguyễn Đức Thụ bị Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Ba Vì tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Sau đó, ông Nguyễn Đức Thụ được tiếp tục quay trở lại làm công chức địa chính – xây dựng tại xã Vật Lại rồi chuyển về công tác tại xã Thụy An, huyện Ba Vì. Nhiều bạn đọc thắc mắc, công chức vi phạm pháp luật hình sự và bị xử phạt án treo có được quay trở lại làm việc ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật không?
Theo tìm hiểu của PV, Bản án số 12/2021/HS-ST ngày 12-20/1/2021 của TAND huyện Ba Vì thể hiện, TAND huyện Ba Vì đã xử phạt ông Nguyễn Đức Thụ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ngày 20/3/2021, UBND huyện Ba Vì có Quyết định số cho tiếp tục công tác đối với ông Nguyễn Đức Thụ làm công chức địa chính – xây dựng xã Vật Lại. Ngày 22/10/2021, ông Nguyễn Đức Thụ được chuyển về làm công chức địa chính – xây dựng tại xã Thụy An theo Quyết định số 7241/QĐ-UBND của UBND huyện Ba Vì.
Trước khi làm công chức địa chính – xây dựng ở xã Vật Lại và bị tuyên phạt 12 tháng tù treo, ông Nguyễn Đức Thụ có một thời gian dài làm công chức địa chính – xây dựng ở xã Thụy An và cũng để xảy ra sai phạm.
Tài liệu PV thu thập được thể hiện, xuất phát từ việc công dân có đơn thư phản ánh về việc, năm 2007, một số cán bộ xã Thụy An thành lập hội đồng cấp đất (thực tế thời điểm đó không thành lập hội đồng cấp đất) để tạo điều kiện giúp nhân dân “biến” đất lâm nghiệp thành đất ở, đất ruộng thành đất lâu năm cho 3 hộ gia đình ở xã Thụy An, ngày 23/4/2015, ông Nguyễn Đắc Nguyên, khi đó là Chủ tịch UBND xã Thụy An, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Thụy An đã chủ trì cuộc họp hòa giải giữa công dân có đơn và ông Nguyễn Đức Thụ.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Đắc Nguyên xác nhận, thời điểm 2007 không thành lập hội đồng cấp đất nhưng thực chất là tạo điều kiện giúp Nhân dân. Ông Chu Văn Kỷ khi đó (năm 2007) làm Phó Chủ tịch UBND xã Thụy An thừa nhận, vì tin chuyên môn nên đã ký nhiều văn bản nên không để ý (nhiều chữ ký photo là đúng) nhưng chưa thấy bản chính. Còn việc làm Chủ tịch hội đồng cấp đất thì ông Kỷ chưa bao giờ được làm. Còn ông Nguyễn Đức Thụ thừa nhận, việc cấp đất cho 3 hộ gia đình do ông Thụ thiết kế hồ sơ một phần và còn thiếu sót, là sai.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết, đối với 3 hộ gia đình nêu trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ lâu. Qua kiểm tra hồ sơ, sau buổi hòa giải ngày 23/4/2015, UBND xã Thụy An chưa tiến hành kiểm tra, xử lý liên quan đến việc làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ có dấu hiệu sai phạm cho 3 hộ gia đình này.
Công chức bị phạt tù treo vẫn có thể tiếp tục làm việc
Trả lời thắc mắc của bản đọc về việc công chức vi phạm pháp luật hình sự và bị xử phạt án treo có được quay trở lại làm việc không, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, khoản 1 Điều 88, Luật Thi hành án hính sự năm 2019 quy định, người được hưởng án treo là công chức nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 79, Luật cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định, công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ được bổ nhiệm.
Hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc đối với công chức là những hành vi được quy định tại Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm: các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước; các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Còn các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, Điều 65, Bộ luật Hình sự thực định quy định, khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 - 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Như vậy, công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Còn nếu công chức bị tòa án kết án phạt tù (không phải tội phạm tham nhũng) được hưởng án treo thì không đương nhiên bị buộc thôi việc. Công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ được bổ nhiệm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay, bản chất án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, mang giá trị nhân đạo Nhà nước nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, bên cạnh đó cũng mang tính chất răn đen, giáo dục, thử thách.
Quốc Doanh