Năm nay, bộ máy Nhà nước được sắp xếp lại theo hướng khối Chính phủ giảm 4 bộ, khối Quốc hội giảm 2 ủy ban và các cơ quan Đảng cũng thực hiện tinh gọn bộ máy.
Với phương án như vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết bộ máy Nhà nước giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Như vậy, tới đây một lực lượng lớn lao động ở khu vực nhà nước sẽ phải nghỉ việc và tham gia vào thị trường lao động thuộc khu vực doanh nghiệp.
Trước tình hình này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận lực lượng lao động dôi dư sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ ít nhiều tạo áp lực trong kết nối việc làm cho các đối tượng này.
Thị trường lao động sẽ có sự cạnh tranh mạnh khi có thêm đội ngũ lao động khu vực nhà nước tham gia. Ảnh: CTV
Vì vậy, cơ quan nhà nước về việc làm cần chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn; tăng cường thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.
Về thị trường lao động khu vực ngoài nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH dự báo sau Tết 2025 sẽ gặp một số biến động như số lực lượng lao động có thể không quay lại, do chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I-2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Theo đại diện một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách giữ chân nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu biến động lao động sau Tết. Tuy nhiên, việc người lao động nhảy việc trong giai đoạn này là khó tránh khỏi.
Với người lao động khu vực nhà nước bị mất việc, đại diện trung tâm cũng khẳng định các doanh nghiệp hiện rất “khát” lao động, nhu cầu tuyển dụng luôn ở ngưỡng cao. “Tuy nhiên, điều quan trọng là hai bên có đáp ứng được nhu cầu của nhau không, bởi môi trường doanh nghiệp hoàn toàn khác với khu vực nhà nước, trừ một số ít vị trí…” - vị này cho hay.
Anh Trần Văn Hợp (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận rất lo lắng nếu tới đây anh thuộc diện bị cho thôi việc. Bởi lẽ, từ lúc ra trường đến nay đã hơn 15 năm anh công tác trong khu vực Nhà nước, chưa từng làm việc ở khu vực tư nhân.
Thêm vào đó, công việc của anh trước đến giờ là chuyên viên ngành giao thông, chủ yếu tham mưu lãnh đạo xây dựng chính sách.
“Trường hợp bị mất việc, tôi cần một khoảng thời gian khá dài để tìm việc mới, thậm chí phải đi học để kiếm việc mới trong khi cả gia đình vẫn trông chờ vào nguồn thu nhập của tôi. Đối với tôi và gia đình đây thực sự là bài toán khó” - anh Hợp trần tình.
VIẾT LONG