Hướng tới thị trường an toàn, bền vững
Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu. Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, mỗi năm, Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Nhiều nước có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Riêng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 158.588 lao động (52.898 lao động nữ) đạt 126,9% kế hoạch năm và bằng 99,13% so với năm 2023. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm số lượng cao nhất với 71.518 lao động (30.295 lao động nữ).
Đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 3 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của nước ta chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp và liên tục ghi nhận thành tích mới.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ. Đồng thời, đào tạo cho Việt Nam đội ngũ lao động hiểu biết về khoa học - công nghệ, tác phong lao động công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Với công việc ổn định, thu nhập tốt, những năm qua, trung bình mỗi năm lượng kiều hối chuyển về nước đạt 3,5 - 4 tỷ USD.
Bên cạnh những thị trường truyền thống đang dần đi vào ổn định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng tới tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt như: Cộng hòa Liên bang Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Phần Lan…
Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, bên cạnh các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… đang dần đi vào ổn định, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường mới. Trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao, vấn đề hợp tác lao động đều được đặt ra. Hiện, Việt Nam đã thỏa thuận và dự kiến ký kết đưa lao động sang làm việc ở một số nước như: Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Ba Lan và một số quốc gia Bắc Âu.
Thời gian tới sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới, mở rộng sang châu Âu vì điều kiện làm việc, thu nhập tốt. Hiện nay, nhiều nước tại khu vực này đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp. Đồng thời, mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, thu nhập cao hơn và thực sự là nơi bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và tác phong công nghiệp.
Phần Lan, Hungary – đích hướng tới
Năm 2025, cùng với ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam, trong đó có Phần Lan.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chấp thuận đăng ký của 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam có hợp đồng cung ứng 134 lao động đi làm việc tại Phần Lan. Đến nay, có 55 lao động đi làm việc tại Phần Lan, với thu nhập ổn định từ 1.500 - 2.000 EUR/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt.
Việt Nam và Phần Lan có bề dày lịch sử hợp tác hơn 50 năm và ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, toàn diện. Phần Lan có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số; trong khi Việt Nam là nước có dân số vàng, với mục tiêu giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp cho người lao động.
Nhằm tạo cơ hội cho hai nước tăng cường hiểu biết về luật pháp, chính sách trong việc phái cử, tiếp nhận lao động nước ngoài của Việt Nam và Phần Lan cũng như nhu cầu tiếp nhận, sử dụng lao động Việt Nam của Phần Lan, mới đây, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen chia sẻ: Phần Lan mang đến một môi trường an toàn và xã hội bình đẳng để mọi người đến làm việc và sinh sống. Thị trường lao động được quản lý tốt và các quyền lợi của người lao động về giờ làm việc, mức lương tối thiểu và điều kiện làm việc an toàn đều được quy định trong pháp luật. Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho việc định cư và hòa nhập tại Phần Lan.
Còn với Hungary, năm 2024 đã có 759 lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này, trong đó có 145 lao động nữ. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hungary từ năm 2018 với số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng dần theo các năm.
Đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của hơn 20 doanh nghiệp dịch vụ để tuyển chọn và đưa lao động sang làm việc tại Hungary. Người lao động Việt Nam thường được tiếp nhận vào làm việc trong các ngành nghề: Thợ hàn và đốc công, xây dựng, sản xuất chế tạo, chế biến gỗ, hái nấm trong nhà, khách sạn, nhà hàng...
Để phát triển thị trường lao động Hungary, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thăm dò, trao đổi khả năng ký kết thỏa thuận/bản ghi nhớ với cơ quan hữu quan của Hungary về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuyển chọn đúng đối tượng, có trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của phía tiếp nhận...
Được biết, tiếp theo thị trường Hungary, Phần Lan..., Việt Nam cũng sẽ hướng đến ký Bản ghi nhớ với Ba Lan, Hy Lạp…; đẩy mạnh hợp tác với Đức; thị trường Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)….
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý việc tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; đồng thời có biện pháp đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
Tâm An