Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu tại Công ty Hóa dệt Hà Tây. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Ngày 4/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố) cho biết, qua thu thập thông tin khảo sát hơn 13.500 người lao động đầu năm cho thấy, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất (25,74%). Kế đến là ngành nghề da giầy, may mặc; tài chính, chứng khoán, bất động sản; thực phẩm, đồ uống. Tỷ lệ người lao động tìm kiếm việc làm thấp nhất thuộc về ngành sư phạm, giáo dục; giáo dục chính trị, triết học và nông, lâm, thủy sản...
Khảo sát hơn 1.600 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất là lao động phổ thông; kế đến ngành nghề thực phẩm, đồ uống; da giầy, may mặc. Nhu cầu lao động thấp nhất ở ngành nghề giáo dục chính trị, triết học; kế đến là ngành nghề nông, lâm và thủy sản; sư phạm, giáo dục...
Đáng chú ý trong đợt này, các cơ quan, doanh nghiệp Thành phố có nhu cầu tuyển dụng hơn 8.600 đầu việc nhưng chỉ có hơn 6.000 người có nhu cầu tìm việc. Trong đó, có 124 người tìm việc ở ngành nghề báo chí và thông tin nhưng Thành phố chỉ tuyển dụng 12 người…
Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp tập trung ở công nhân kỹ thuật không bằng cấp chiếm 37,31%; trình độ trung cấp chiếm 19,59%; chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng chiếm 14,48%; đại học chiếm 12,25%...
Cũng trong tháng 1/2025, Trung tâm đã tiếp nhận 349 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng gần 2.000 vị trí lao động chất lượng cao (theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày ngày 18/9/2023 của Chính phủ) vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài. Trong đó, có hơn 760 vị trí còn hạng trong 15 ngày với các chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật với mức lương bình quân 50 triệu đồng/tháng.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, qua theo dõi, có 229 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển nhưng chưa có người trúng tuyển vào các vị trí tuyển dụng. Nguyên nhân một phần là do yêu cầu của nhà tuyển dụng cao, khắt khe cùng nhiều yếu tố khác dẫn đến người lao động Việt Nam chưa tiếp cận được các vị trí việc làm đang tuyển dụng. Một phần là do người lao động chất lượng cao chưa biết nhiều về thông tin này...
Liên quan đến lao động và bảo hiểm thất nghiệp, thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng đầu năm 2025 đã tiếp nhận gần 5.500 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 4.351 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2024. Trung tâm đã trình Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố ký ban hành hơn 7.800 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động…
Gần 94% người lao động quay trở lại làm việc tại Hưng Yên
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên, tính đến 16 giờ ngày 4/2, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc đạt gần 94%. Cơ bản các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, ngoại trừ một số doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết kéo dài. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đến ngày 10/2 mới quay trở lại hoạt động.
Cụ thể, tại các khu công nghiệp, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc đạt trên 98%. Tại các huyện Phù Cừ, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc đạt gần 100%. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy các doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho một năm mới với kỳ vọng ổn định việc làm, đời sống công nhân, lao động nâng cao, doanh nghiệp tăng trưởng.
Với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", trong dịp Tết Ất Tỵ, các cấp Công đoàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động, đổi mới, linh hoạt trong hoạt động chăm lo, khích lệ đoàn viên, người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời tạo sự tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn, với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dịp Tết, các cấp Công đoàn đã dành trên 40 tỷ để tổ chức các hoạt động; đồng thời, hỗ trợ trên 6.600 trường hợp đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 3,5 tỷ đồng; tổ chức chương trình "Chợ Tết công đoàn" thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia... Nhiều doanh nghiệp đã bố trí xe đưa công nhân về quê ăn Tết và đón trở lại làm việc. Các cấp Công đoàn chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động để mọi người đều có Tết an vui, đầm ấm, an tâm trở lại làm việc, gắn bó với doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn.
Hiện ở Hưng Yên có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động và tiếp nhận gần 600 dự án đầu tư trong và ngoài nước, qua đó giải quyết việc làm cho trên 81.000 lao động.
Thanh Vũ-Quang Nhiều/TTXVN