Tập 7 của chương trình Sing! Asia 2025 tiếp tục chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của đại diện Việt Nam, Phương Mỹ Chi, khi cô cùng nghệ sĩ Khả Lâu mang đến một phần trình diễn mashup độc đáo giữa hai nền văn hóa trong tiết mục Túy Âm – Lục Hải Vi Vương. Không chỉ tạo dấu ấn bởi âm nhạc sáng tạo, màn biểu diễn còn khiến khán giả xúc động khi Phương Mỹ Chi lồng ghép trích đoạn vọng cổ từ vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh, trong khi Khả Lâu phô diễn kỹ thuật hát hí kịch đặc trưng Trung Hoa.
Tiết mục nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội với hàng loạt bình luận ca ngợi. Đặc biệt, phần thể hiện đoạn vọng cổ của Phương Mỹ Chi nhận về vô số lời tán thưởng. Dưới sân khấu, khán giả không khỏi “nổi da gà” khi lắng nghe cô cất giọng: “Chí tang bồng nay chưa kịp thỏa, mà đường âm dương cách trở lành lạnh áng mây sầu…”. Không đơn thuần là một câu hát, đó là sự tái hiện một phần lịch sử, niềm tự hào dân tộc thông qua nghệ thuật truyền thống.
Bởi Tiếng trống Mê Linh không chỉ là một vở cải lương, mà là biểu tượng văn hóa chan chứa tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập của người Việt. Khi một nghệ sĩ trẻ như Phương Mỹ Chi chọn đưa trích đoạn này lên sân khấu quốc tế, đó không chỉ là sự dũng cảm nghệ thuật mà còn là hành động khẳng định bản sắc dân tộc trong một sân chơi toàn cầu.
Không chạy theo xu hướng hiện đại hóa một cách rập khuôn, tiết mục của Phương Mỹ Chi và nhóm DTAP chọn lối đi ngược: hồi sinh một bản hit từng gây bão năm 2017 - Túy Âm, và kết hợp với Lục Hải Vi Vương, một ca khúc cổ phong Trung Hoa. DTAP, nhóm sản xuất luôn nổi tiếng với tư duy âm nhạc văn hóa đã khéo léo dựng nên một câu chuyện xuyên thời gian: hai người phụ nữ, hai nền văn hóa, cùng đứng lên chiến đấu vì lý tưởng riêng.
Cách xử lý âm nhạc tinh tế giúp hai bản nhạc tưởng chừng không liên quan trở nên hòa quyện. Túy Âm không còn đơn thuần là một bản phối EDM lạ tai, Lục Hải Vi Vương cũng vượt khỏi khung khổ của một ca khúc cổ trang. Cả hai trở thành nền tảng để kể một bản anh hùng ca, nơi âm nhạc trở thành ngôn ngữ kết nối và phản chiếu bản lĩnh phụ nữ Á Đông.
Điểm sáng đặc biệt trong tiết mục nằm ở sự đan xen giữa cải lương Việt Nam và hí kịch Trung Hoa, hai loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Nhưng thay vì chắp vá, DTAP biến chúng thành một cuộc đối thoại nghệ thuật: mỗi loại hình giữ được màu sắc riêng, nhưng vẫn tìm thấy điểm gặp gỡ trong tinh thần biểu diễn. Khả Lâu giữ trọn tinh thần hí kịch từ phục trang đến giọng hát, trong khi Phương Mỹ Chi hóa thân thành nữ tướng Trưng Trắc qua từng câu vọng cổ đầy khí phách.
Điều đáng nói là sự kết hợp này không nhằm mục đích cách tân truyền thống theo kiểu “tân thời hóa”, mà đúng như cách Phương Mỹ Chi chia sẻ: “Không cần hiện đại hóa truyền thống, chỉ cần đặt nó đúng chỗ, đúng cảm xúc thì truyền thống sẽ tự tỏa sáng”.
Chiến thắng tại Thượng Hải đánh dấu chặng thắng thứ ba liên tiếp của Phương Mỹ Chi tại Sing! Asia 2025, sau các vòng thi ấn tượng ở Vịnh Hạ Long và Hồng Kông. Nhưng hơn cả chiếc cúp hay lời tán thưởng, điều nữ ca sĩ sinh năm 2003 đang làm được là dựng nên một hành trình âm nhạc riêng biệt, một hành trình không lệ thuộc vào công thức Kpop hay mô hình phương Tây, mà dùng chính chất liệu dân tộc để tạo ra ngôn ngữ âm nhạc của bản thân.
Trên sân khấu nơi phần đông thí sinh chọn giai điệu sôi động và hình ảnh quốc tế hóa, sự xuất hiện của Phương Mỹ Chi, một nghệ sĩ mang cải lương đến với bạn bè quốc tế chẳng khác gì một “làn gió ngược”. Nhưng chính làn gió ấy mới tạo ra điểm khác biệt. Cô không đơn thuần là đang thi hát, mà còn đang thực hiện vai trò như một “đại sứ văn hóa”, người truyền tải những giá trị truyền thống Việt Nam bằng âm nhạc, bằng giọng hát, và bằng cả niềm tự hào dân tộc.
“Tôi thấy hạnh phúc vì được đứng trên sân khấu quốc tế và hát về lịch sử dân tộc mình. Mỗi lần cất giọng vọng cổ là một lần tự nhắc bản thân không được quên mình là ai, đến từ đâu”, Phương Mỹ Chi khẳng định.
Trong thời đại hội nhập, khi bản sắc có nguy cơ bị hòa tan, thì những tiết mục như của Phương Mỹ Chi không chỉ là nghệ thuật, mà còn là hồi chuông đánh thức niềm tự hào dân tộc trong mỗi khán giả.