Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 đã bổ sung Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể là: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, trong những năm gần đây, Cục QLTT tỉnh đã triển khai việc tiêu hủy hàng hóa là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tập trung một lần vào dịp cuối năm. Hàng hóa do các đội QLTT trực thuộc tiến hành tịch thu, đội có trách nhiệm lập phương án, trình lãnh đạo Cục QLTT tỉnh thẩm định phương án. Từ đó, cục xây dựng phương án, xin ý kiến Tổng Cục QLTT và ra quyết định xử lý tài sản.
Trước khi mang đi tiêu hủy, toàn bộ hàng hóa vi phạm hành chính được các đội QLTT tịch thu trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đều được cất giữ đúng quy định trong kho chứa của Cục QLTT tỉnh theo đúng quy định. Hàng hóa vi phạm phải tiến hành tiêu hủy đều nằm trong danh mục quy định của pháp luật. Theo số liệu của Cục QLTT tỉnh, tính riêng trong năm 2024, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là trên 500 triệu đồng. Phần lớn các mặt hàng hóa bị tiêu hủy là sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, quần áo, giày dép, đồ điện tử… Đáng chú ý là trong tổng số hàng hóa được mang đi tiêu hủy năm nay, mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn và tăng đáng kể so với mọi năm. Trong đó, phổ biến là bánh kẹo, nước giải khát các loại. Đó là chưa kể, lượng thực phẩm vi phạm do không thể bảo quản lâu đã được tịch thu, xử lý ngay sau mỗi đợt thanh, kiểm tra như giò, chả, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn, bánh trung thu…Điều này cho thấy, nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng ngày càng cao. Hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm này cũng đã được Cục QLTT đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua.
Quá trình tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính được thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã tiến hành trên 500 cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện và xử lý gần 400 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính xấp xỉ 1,9 tỷ đồng. Năm 2024, số hàng hóa, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, bán đấu giá sung quỹ nhà nước đạt trên 1 tỷ đồng; hàng hóa bị tịch thu buộc phải thực hiện tiêu hủy có trị giá hơn 500 triệu đồng. Những sản phẩm bị tiêu hủy là những mặt hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng nhưng không thể xử lý theo hình thức bán, tài sản không còn sử dụng, tài sản thuộc danh mục hàng cấm sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường như văn hóa phẩm độc hại, ma túy, hàng giả, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng…
Đối với hình thức tiêu hủy, Cục QLTT tỉnh thành lập Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu để tổ chức, lên phương án triển khai. Trong những năm gần đây, Cục tiến hành thuê đơn vị dịch vụ được cấp phép thực hiện phân loại tài sản và tiêu hủy bằng các phương thức phù hợp đối với từng loại tài sản. Hàng hóa bị tiêu hủy là đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử… được thực hiện bằng phương pháp cắt nhỏ, đập vỡ, cán nát nhằm làm mất giá trị sử dụng, sau đó giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC (thành phố Nam Định) vận chuyển đi tiêu hủy dưới sự giám sát của thành viên Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Một số mặt hàng là chất lỏng, không gây hại cho môi trường như dầu gội, sữa tắm, nước giải khát, nước giặt, nước tẩy rửa, rượu… được xử lý tại chỗ.
Ông Nguyễn Anh Năng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Hoạt động tiêu hủy hàng hóa vi phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng QLTT hằng năm. Cùng với việc tiến hành tiêu hủy công khai, cục cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của cục nhằm tạo sức răn đe với các đối tượng vi phạm, cũng như tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, từ đó chủ động, cảnh giác, tìm hiểu cách nhận biết hàng giả, hàng nhái và kiên quyết không tiêu dùng hàng hóa vi phạm trong quá trình mua sắm. Qua đó, cũng góp phần để các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân hiểu, tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính do lực lượng QLTT tỉnh tịch thu luôn được tiến hành một cách công khai, minh bạch, có sự tham dự đầy đủ của các lực lượng liên quan như: Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường… Toàn bộ quy trình tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính được thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu, bảo đảm việc tiêu hủy được thực hiện đúng trình tự, quy định, an toàn không gây ảnh hưởng cho môi trường. Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Nguyễn Oanh