Ghé thăm Ước Lễ trong những ngày này, du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính mà còn tìm thấy hồn quê vẹn nguyên trong từng nếp nhà, từng món ăn truyền thống.
Ngôi làng cổ giữa dòng chảy hiện đại
Lối vào làng Ước Lễ bắt đầu từ chiếc cổng làng cổ kính rêu phong – một công trình bề thế với kiến trúc mang phong cách thời Mạc. Cổng có hai tầng được xây bằng gạch mộc, với vọng lâu phía trên và dòng chữ “Mỹ tục khả phong” – lời ca ngợi phong tục đẹp đẽ của làng do triều đình ban tặng vào năm Tự Đức thứ tư (1851). Bao quanh là con hào nhỏ, vừa là điểm nhấn kiến trúc, vừa mang ý nghĩa bảo vệ sự bình yên cho ngôi làng.
Cổng trước làng Ước Lễ.
Tiến sâu vào bên trong, du khách có cảm giác như vừa đi qua cánh cổng thời gian khi thấy những hình ảnh bình dị nhưng đã dần mai một ở nhiều làng quê Việt. Đó là cây đa đầu làng, đình cổ, con ngõ quanh co dẫn lối tới những ngôi nhà cổ… và khu chợ quê.
Chợ Ước, ở ngay đầu làng, là một khu chợ nhỏ nhưng độc đáo. Chợ chỉ họp vào sáng sớm, kéo dài khoảng 1 giờ, rồi tan ngay khi mặt trời lên. Nếu đến chợ vào khoảng hơn 7 giờ sáng, du khách sẽ thấy tiểu thương đã lục đục dọn hàng về, chỉ còn lác đác vài bà cụ bán hàng xén hay ngũ cốc ngồi cố thêm đôi chút.
Tiểu thương dọn hàng về lúc 7h30 sáng.
Nếu đến chợ vào khoảng hơn 7 giờ sáng, du khách sẽ thấy tiểu thương đã lục đục dọn hàng về, chỉ còn lác đác vài bà cụ bán hàng xén hay ngũ cốc ngồi cố thêm đôi chút.
Dù giản dị, chợ Ước vẫn mang đậm không khí Tết, với những món hàng đặc trưng như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn tươi phục vụ người dân chuẩn bị mâm cúng. Tiếng nói cười, tiếng chào mời vang lên giữa cái lạnh đầu xuân, tạo nên một khung cảnh đầy hoài niệm.
Đi qua chợ, dạo quanh trong làng, có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà với cánh cổng độc đáo. Trải qua nhiều thế kỷ, Ước Lễ vẫn bảo tồn nguyên vẹn hệ thống di tích với mật độ dày đặc, không chỉ đình, chùa, nhà thờ, giếng cổ cùng chợ làng, cây đa cổ thụ mà cả những nếp nhà cổ mang nét đặc trưng của xứ Đoài.
Nhiều ngôi nhà trong làng có cánh cổng độc đáo.
Cổng sau làng Ước Lễ
Dẫu cho cuộc sống hiện đại mang đến nhiều thay đổi, Ước Lễ vẫn là biểu tượng của sự trường tồn văn hóa.
Hương Tết đậm đà từ làng nghề hơn 500 tuổi
Giáp Tết cũng là dịp người làng Ước Lễ tất bật nhất, bởi giò chả – món đặc sản đã trở thành thương hiệu của làng - cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống Việt. Từng khoanh giò lụa trắng ngần, thơm ngậy, được cắt khúc gọn gàng, hay những miếng chả quế vàng ruộm, dậy mùi thơm đặc trưng, đều góp phần làm nên không khí đầm ấm ngày xuân cho các gia đình Việt từ bao đời.
Mặc dù nghề làm giò chả đã hình thành, phát triển qua 5 thế kỷ, nhưng không giống các làng nghề khác thường sản xuất sản phẩm truyền thống tại chỗ, hầu hết người Ước Lễ đều tỏa đi khắp các vùng miền để lập nghiệp và giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
“Ngày trước trong làng 10 nhà thì 8 nhà làm giò chả. Nay con cháu mang nghề đi khắp nơi, chỉ còn 3 nhà còn làm ở làng. Dù vậy, giò chả Ước Lễ vẫn giữ được danh tiếng của tổ tiên truyền lại”, cụ bà Vịnh, 74 tuổi, một người làng Chuông lấy chồng về Ước Lễ, vừa ngồi xếp lá cọ ở đầu làng vừa kể.
Nghề làm giò chả của Ước Lễ bắt nguồn từ thời nhà Mạc (1527 - 1592). Tương truyền rằng, một cung tần trong triều đình, là người làng Ước Lễ về xây cổng làng, đồng thời dạy cho người dân nơi đây cách làm giò chả. Kể từ đó, cha truyền con nối, trải qua bao thế hệ, làm giò chả trở thành nghề truyền thống của làng.
Anh Mạnh - chủ cơ sở sản xuất giò chả Mạnh Xuân, là một trong số ít hộ vẫn tiếp nối truyền thống cha ông để lại ngay tại làng. Anh chia sẻ: “Ngày thường, chúng tôi làm khoảng 40kg giò chả mỗi ngày. Nhưng Tết đến, đơn hàng dồn dập từ khắp nơi, có ngày làm tới hàng tấn giò”.
Nghề làm giò chả của Ước Lễ bắt nguồn từ thời nhà Mạc (1527 - 1592).
Những lúc tất bật như vậy, gia đình anh Mạnh và họ hàng, bà con làng xóm cùng xúm lại để hoàn thiện đơn hàng gửi đi. Dạo quanh làng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người thợ cần mẫn với nồi nước luộc giò tỏa hơi nghi ngút. Đối với người làng, làm giò chả không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm tự hào mà họ cùng nhau gìn giữ.
Cũng bởi người dân thường bận rộn làm giò chả phục vụ khắp nơi trong dịp Tết mà ở Ước Lễ còn lưu giữ một phong tục đặc sắc, đó là ăn Tết bù vào ngày rằm tháng Giêng. Họ chọn ngày này để quây quần bên gia đình, dâng hương tổ tiên và thưởng thức một cái Tết đủ đầy.
“Ngày ấy, người làng từ khắp nơi trở về, chật kín con đường chính từ cổng làng”, cụ Vịnh tự hào kể đình làng năm nay đã được sửa sang lại, những người con của làng từ xa trở về chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên.
Dẫu cho cuộc sống hiện đại mang đến nhiều thay đổi, Ước Lễ vẫn là biểu tượng của sự trường tồn văn hóa. Cổng làng, những ngôi nhà cổ, cây đa, chợ phiên, và nhất là nghề làm giò chả đã gắn kết người dân với cội nguồn, trở thành nơi níu giữ hồn quê cho những người con xa xứ.
Ghé thăm Ước Lễ, bạn sẽ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của làng cổ mà còn thấy lòng mình chậm lại, hòa mình vào những giá trị văn hóa bền bỉ mà ngôi làng này lưu giữ qua bao thế hệ.
Đỗ Kiều