Ý nghĩa nguồn gốc hóa vàng mã trong ngày Tết

Ý nghĩa nguồn gốc hóa vàng mã trong ngày Tết
4 giờ trướcBài gốc
Tục hóa vàng là một phong tục có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, được du nhập vào Việt Nam, qua sự giao thoa văn hóa và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nghi thức đốt vàng mã trong ngày Tết và việc thờ cúng tổ tiên, hoặc những ngày lễ khác… là một phong tục giàu ý nghĩa nhân văn, thể hiện nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, có sự hòa nhập giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng dân gian, phong tục này đã trở thành một phần trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và cầu siêu cho người đã khuất.
(Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, nơi mà Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian cùng tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau, Phật giáo không chủ trương đốt vàng mã như một nghi lễ chính thức và cũng không có kinh sách nào trong hệ thống kinh điển Phật giáo chính thống nói đến việc đốt vàng mã.
Người xưa tin rằng vàng mã khi được đốt sẽ trở thành vật dụng thực tế ở thế giới bên kia, giúp tổ tiên tiếp tục hưởng phúc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, trong tác phẩm Tín ngưỡng Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Vàng mã là biểu tượng của sự chuyển hóa giữa hai thế giới, vừa thực vừa hư, vừa hiện hữu nhưng cũng mang tính tượng trưng cao”[1] và Trần Quốc Vượng trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng nhấn mạnh rằng:“Tục hóa vàng có liên quan đến quan niệm âm dương và thế giới song song”[2].Vậy tục hóa vàng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là dịp để gia đình sum họp và nhìn lại truyền thống, phong tục, tín ngưỡng và sự kết hợp giữa các tôn giáo trong đời sống tâm linh người Việt.
Các tác giả và sách nghiên cứu về sự hòa nhập này
Các nghiên cứu về sự hòa nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, chủ yếu được tìm thấy trong các tác phẩm nghiên cứu về phong tục Việt Nam. Một số tác giả đã chỉ ra rằng, người Việt đã kết hợp các yếu tố của Phật giáo (như lễ cầu siêu, tụng kinh…) với các phong tục truyền thống (như đốt vàng mã) trong các nghi lễ thờ cúng.
Hình mang tính minh họa (ảnh: Internet)
Dưới đây là một số tác phẩm nghiên cứu của các học giả đã đề cập đến sự hòa nhập này:
Nguyễn Văn Huyên - Phong tục tập quán Việt Nam: Nghiên cứu về các phong tục thờ cúng tổ tiên, ảnh hưởng của Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian. Mặc dù không nói trực tiếp về việc đốt vàng mã, tác phẩm này đề cập đến sự giao thoa giữa các tôn giáo và phong tục, trong đó có tục đốt vàng mã.
Nguyễn Văn Huyên - Văn minh Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng, cần thực hành hóa vàng một cách văn minh hơn, giảm thiểu việc đốt vàng mã không cần thiết, thay vào đó tập trung vào tâm thành và ý nghĩa cốt lõi của nghi thức.
Trần Quốc Vượng - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, tục hóa vàng có liên quan đến quan niệm âm dương và thế giới song song.
Trần Ngọc Thêm - Văn hóa dân gian Việt Nam, đề cập đến việc Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, kết hợp trong các phong tục, trong đó có việc thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ như đốt vàng mã. Thực tế, ông chỉ ra rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam, có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ Phật giáo, đặc biệt trong các nghi lễ thờ cúng trong các dịp lễ Tết.
Phạm Quang Lễ - Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam: Tác phẩm này nghiên cứu sâu về phong tục thờ cúng tổ tiên và những nghi lễ liên quan đến việc đốt vàng mã, đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng của Phật giáo trong các nghi thức này, mặc dù Phật giáo không chủ trương việc đốt vàng mã.
Hoàng Hữu Quý - Văn hóa tâm linh Việt Nam: Tác giả nghiên cứu về các yếu tố tâm linh trong đời sống người Việt, trong đó có việc thờ cúng tổ tiên và sự hòa nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, bao gồm cả tục đốt vàng mã.
Ý nghĩa và nguồn gốc phong tục hóa vàng
Ý nghĩa
Tục lệ hóa vàng là nghi thức đốt vàng mã, thường được thực hiện sau những ngày lễ, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, như một cách đưa tiễn tổ tiên về cõi âm sau khi họ đã “lên chơi Tết” cùng con cháu. Hành động này, mang đậm nét văn hóa Á Đông, thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn tổ tiên, là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam.
(Ảnh: Internet)
Đây không chỉ là hình thức tín ngưỡng dân gian mà còn là biểu tượng của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vốn đã thấm nhuần trong tâm thức người Việt qua bao thế hệ, đồng thời mong muốn gia tiên phù hộ cho gia đình trong năm mới, bình an hạnh phúc.
Tại Việt Nam, tục hóa vàng xuất hiện muộn hơn, khoảng thời kỳ Bắc thuộc. Ban đầu, nghi lễ này đơn giản, nhưng dần dần được người Việt bản địa hóa với các nghi thức cầu kỳ hơn.
Nguồn gốc của tục hóa vàng
Tập tục đốt vàng mã xuất hiện ở nước ta từ thời Bắc thuộc, khi văn hóa Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Phong tục này có nguồn gốc từ tín ngưỡng Đạo giáo và Nho giáo của Trung Quốc, với quan niệm rằng, vàng mã được xem là phương tiện, để gửi gắm những vật dụng cần thiết cho người đã khuất trong thế giới bên kia, đảm bảo họ có cuộc sống đầy đủ, dẫn đến sự phát triển đa dạng của các loại vàng mã trong các nghi lễ truyền thống.
Phong tục này được du nhập vào Việt Nam trong quá trình giao lưu văn hóa giữa hai nước. Theo một số tài liệu, phong tục này bắt đầu từ thời nhà Hán (206 TCN - 220 SCN) ở Trung Quốc. Sách “Trực Ngôn Cảnh Giác” của Trung Quốc kể lại rằng, Vương Luân là người đầu tiên khởi xướng việc đốt vàng mã.
Hình mang tính minh họa (ảnh: Intertnet)
Tuy nhiên, trong các tư liệu lịch sử Việt Nam, tục đốt vàng mã phổ biến hơn từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV), khi Nho giáo dần có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa và tín ngưỡng dân gian. Dưới thời Lê, đặc biệt là thời Hậu Lê (thế kỷ XV - XVIII), tục lệ này được duy trì trong các nghi lễ cung đình và dân gian.
Theo nhà tư tưởng Vương Dư đời Đường cho rằng: “Từ thời nhà Hán, đã có tục chôn tiền và đời sau lấy giấy thay tiền”. Theo niềm tin thuần phác của người Trung Hoa ở vào thời cổ đại thì, người ta tin rằng, người chết không phải là mất hẳn mà biến thành quỷ.[3] Từ quan niệm này, người ta tin rằng, người chết cũng như người sống. Những gì mà người ta lúc còn sống tiêu xài như thế nào, thì khi chết cũng cần đến như thế đó. Do tin tưởng như vậy, nên sau khi chết đi, thân nhân của người chết chôn theo những vật dụng cần thiết kể cả tiền bạc để cho người chết tiêu xài. Đây là biểu lộ mối thâm tình sâu đậm khi sống sao thì lúc chết cũng như thế.
Mặc dù Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam, nhưng giáo lý nhà Phật không đề cao việc đốt vàng mã. Các vua Trần và nhiều thiền sư thời Lý - Trần từng khuyến khích người dân làm việc thiện thay vì đốt vàng mã. Tuy nhiên, do sự pha trộn của các tín ngưỡng, tục lệ này vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Tết Nguyên Đán là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, khi con cháu sum vầy, đoàn tụ bên gia đình và cùng tưởng nhớ tổ tiên. Vàng mã được dâng cúng kèm theo mâm cỗ, lễ vật để thể hiện lòng hiếu thảo, gửi đến tổ tiên những vật phẩm biểu trưng cho sự đầy đủ, sung túc trong cõi âm.
Ngày hóa vàng thường diễn ra vào mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, kết thúc chuỗi ngày Tết truyền thống. Nghi lễ hóa vàng là lúc tiễn tổ tiên về cõi vĩnh hằng sau những ngày đoàn tụ cùng con cháu. Việc đốt vàng mã trong dịp này mang ý nghĩa “hậu lễ,” như lời cảm tạ và tiễn đưa tổ tiên.
Như vậy, tục hóa vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện từ thời nhà Hán, và không được đề cập trong các kinh sách Phật giáo.
Tục đốt vàng mã trong thời hiện đại
Tục đốt vàng mã là một phần quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện lòng kính trọng và tưởng nhớ đến tổ tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, tục lệ này đang gây ra nhiều tranh cãi về ý nghĩa, tác động kinh tế, môi trường và an toàn xã hội.
Những biến tướng trong thời hiện đại
Trong xã hội hiện đại, tục đốt vàng mã đã có những biến tướng đáng lo ngại:
Có ô tô, có xe máy xịn mà không có... nhiên liệu thì "xuống đó" các cụ vận hành thế nào nhỉ? (ảnh: Intertnet)
Sự phô trương và lãng phí: Nhiều gia đình chi tiêu hàng triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng, thậm chí nhiều hơn thế để mua vàng mã với mong muốn thể hiện lòng hiếu thảo, hoặc đáp ứng nhu cầu “tâm linh” khác dẫn đến lãng phí tài chính đáng kể. Vì những hiểu biết còn hạn chế, vì tâm lý a dua, học đòi, nhiều người đã và đang làm sai, làm xấu đi tục lệ đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt.
Sản phẩm vàng mã đa dạng và xa xỉ: Thị trường vàng mã hiện nay cung cấp nhiều sản phẩm mô phỏng các vật dụng xa xỉ như nhà lầu, xe hơi, điện thoại thông minh, tủ lạnh… cũng được làm từ giấy với mẫu mã và kích thướng tương đương đồ thật, phản ánh xu hướng tiêu dùng phô trương và thiếu kiểm soát.
Từ nhận thức, hiểu biết sai lệch... không khó dẫn đến mê tín: Nét đẹp tục lệ còn đâu / Oan gia, tội đổ lên đầu... hương linh (ảnh: Internet)
Từ “phú quý sinh lễ nghĩa” đến thương mại hóa thái quá, ý nghĩa tốt đẹp của một tục lệ đã nhường chỗ cho sự mê tín, cho rằng càng đốt nhiều càng được nhiều tài lộc, ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến “hóa vàng” tràn lan trong toàn xã hội. Nhiều khi người ta quan niệm lễ vàng mã nhà mình phải to hơn nhà khác, nhưng tâm chưa chắc đã thành. Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế, hay môi trường, mà là mê tín và đang ngày càng bùng phát. Sự mê tín sẽ dẫn đến kém cỏi về mọi mặt.
Tác động tiêu cực
Việc đốt vàng mã ngày nay gây ra không ít hậu quả cho môi trường. Do sự thiếu hiểu biết, nhiều người đã biến tục đốt vàng mã thành thủ tục không thể thiếu trong mỗi dịp cúng, lễ gây lãng phí tiền của, khiến tục đốt vàng mã bị biến tướng và mất đi nét đẹp vốn có.
Sự leo thang của vàng mã theo thời gian, "hiện đại, tiện nghi" hơn cũng sẽ tốn chi phí nhiều hơn... (ảnh: Internet)
Ô nhiễm môi trường: Sau khi mà đốt vàng mã xong, thông thường theo quan niệm dân gian tro đốt vàng mã sẽ được để nguội sau đó được gói vào một tờ giấy màu đỏ hoặc túi nilon và được rải xuống sông, hồ, suối cho mát mẻ. Tuy nhiên, hiện nay môi trường nước và không khí nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao vì lượng tro sau hóa vàng đổ ra sông, suối… phát tán vào không trung ngày càng nhiều.
Quá trình đốt vàng mã phát thải bụi và các khí độc hại như CO, CO2, SO2, ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Chính vì thế mà chúng ta có thể sử dụng tro đốt vàng mã để bón vào các gốc cây trong vườn nhà để tận dụng làm phân bón, tránh ảnh hưởng xấu tới môi trường sau này.
Nguy cơ cháy nổ: Đốt vàng mã không đúng cách, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc, có thể dẫn đến các vụ cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Lãng phí tài nguyên: Sử dụng giấy và các vật liệu khác để sản xuất vàng mã, góp phần vào việc tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên một cách không cần thiết.
Quan điểm của các chuyên gia và tổ chức tôn giáo
Nhiều chuyên gia và tổ chức tôn giáo đã lên tiếng về vấn đề này:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần khuyến cáo Phật tử hạn chế hoặc không đốt vàng mã, nhấn mạnh rằng việc này không có trong giáo lý nhà Phật và không mang lại lợi ích tâm linh.
Nhiều Phật tử và nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng đốt vàng mã không có căn cứ trong giáo lý nhà Phật. Đức Phật dạy về nhân quả và nghiệp báo, không có khái niệm “gửi” vật chất sang thế giới bên kia.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng tục đốt vàng mã đang bị biến tướng, mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu và cần được điều chỉnh để phù hợp với thời đại.
Giải pháp và hướng đi trong tương lai
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của tục đốt vàng mã, cần thực hiện các biện pháp sau:
Tuyên truyền và giáo dục: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt vàng mã, khuyến khích các hình thức, tưởng nhớ tổ tiên mang tính nhân văn và bền vững hơn.
Quy định pháp luật: Ban hành và thực thi các quy định hạn chế việc đốt vàng mã tại các khu vực công cộng, đặc biệt là trong các khu dân cư và nơi có nguy cơ cháy nổ cao.
Nhiều tổ chức tôn giáo và chính quyền địa phương, đã khuyến khích hạn chế hoặc loại bỏ tục lệ này, thay vào đó là những hình thức tưởng nhớ mang ý nghĩa nhân văn hơn.
Hiện nay, một số chùa đã hạn chế hoặc không cho phép đốt vàng mã trong khuôn viên chùa để tránh hiểu lầm về giáo lý.
Thay thế bằng các hoạt động ý nghĩa: Khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động từ thiện, công đức, giúp đỡ người nghèo…thay vì đốt vàng mã, hoặc các hình thức tưởng nhớ khác thay cho việc đốt vàng mã.
Tục đốt vàng mã trong ngày Tết và ngày hóa vàng là minh chứng cho sự hòa nhập sâu sắc giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng dân gian trong văn hóa Việt Nam, dù mang ý nghĩa truyền thống sâu sắc, nhưng trong bối cảnh hiện đại, cần được nhìn nhận và điều chỉnh để phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Người xưa đã dạy “lễ bạc tâm thành”, vì vậy người cúng lễ chẳng cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, mà chỉ cần thành tâm, hành thiện mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng. Việc bảo tồn văn hóa cần đi đôi với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Tham khảo sách tư liệu
(1). Phan Kế Bính “Phong tục thờ cúng của người Việt”, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004.
(2). Đinh Gia Khánh “Tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam”, Nxb Khoa học Xã hội, 1992.
(3). Trần Ngọc Thêm, “Văn hóa tâm linh người Việt”, Nxb Giáo dục,2004.
(4). Trần Quốc Vượng, “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, Nxb. Văn hóa Thông tin 2000
(5). Nguyễn Duy Hinh, “Tín ngưỡng Việt Nam”, Nxb. Khoa học Xã hội, 1992
(6). Nguyễn Văn Huyên, “Văn minh Việt Nam”, Nxb. Hội Nhà văn, 1995
(7). Nguyễn Văn Huyên- Phong tục tập quán Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2016
Chú thích
[1] Nguyễn Duy Hinh, trong tác phẩm Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, 1992, tr. 87
[2] Trần Quốc Vượng trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2000, tr. 134
[3] Nguyễn Tôn Nhan, Kinh Lễ, Thiên Tế pháp, Nxb. Văn Học, 1999, tr.192
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/y-nghia-nguon-goc-hoa-vang-ma-trong-ngay-tet.html