Công nghệ số giúp người khuyết tật tiếp cận tri thức, nâng cao năng lực
Chủ đề của Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) năm 2025 do Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam đưa ra là "Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến người khuyết tật" – một chủ đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), coi đây là mũi nhọn, đột phá chiến lược của đất nước. Công nghệ số và AI không chỉ là xu hướng phát triển, mà còn là cơ hội để người khuyết tật tiếp cận tri thức, nâng cao năng lực, hòa nhập xã hội và vươn lên làm chủ cuộc sống.
Bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này.
+ Bà có thể chia sẻ về vai trò của việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của tổ chức, đặc biệt với tổ chức của người khuyết tật như Hội chúng ta ngày càng cấp thiết và hỗ trợ hiệu quả hơn cho người khuyết tật?
Bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội
Bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội: Công nghệ số mở ra cánh cửa rộng lớn giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục, việc làm, y tế, giao thông và nhiều lĩnh vực khác. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ người khiếm thị đọc sách, người khiếm thính giao tiếp dễ dàng hơn, người khuyết tật vận động có thể làm việc từ xa mà không gặp rào cản địa lý.
Nhưng để công nghệ số thực sự trở thành công cụ hữu ích, thì trách nhiệm không chỉ thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi người khuyết tật. Mỗi cá nhân người khuyết tật cần chủ động học hỏi, thích ứng với công nghệ, tận dụng các nền tảng trực tuyến để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tham gia sâu hơn vào đời sống kinh tế - xã hội.
Mỗi tổ chức Hội Người khuyết tật phải trở thành cầu nối, hỗ trợ các hội viên tiếp cận và ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả. Đồng thời, chúng ta cần thúc đẩy một môi trường trực tuyến dễ tiếp cận, đảm bảo mọi người khuyết tật đều có cơ hội bình đẳng trong không gian số.
+ Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ số như thế nào, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Huyền: Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số vào thực tế khi triển khai các hoạt động, quản lý các chương trình, dự án. Thông qua các chương trình hoạt động, hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhiều hội viên có cơ hội trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Nhờ được hỗ trợ tiếp cận, công nghệ thông tin đã trở thành "tay" của người khuyết tật tay, "tai" của người khiếm thính, "mắt" của người khiếm thị…
Công nghệ số cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và người không khuyết tật. Thông qua công nghệ, người khuyết tật có thể tự tin hòa nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến…Hội cũng thực hiện phối hợp, tham vấn các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp công nghệ hữu ích phù hợp với nhu cầu thực tế của người khuyết tật.
Cộng đồng người khuyết tật đang chủ động học hỏi, thích ứng với công nghệ, tận dụng các nền tảng trực tuyến để nâng cao kiến thức, kỹ năng
+ Từ góc độ của bà, người khuyết tật hiện nay còn có những rào cản nào trong việc tiếp cận công nghệ số?
Bà Đỗ Thị Huyền: Trong lĩnh vực công nghệ số, người khuyết tật tiếp cận công nghệ số trong bối cảnh nhiều người còn gặp khó khăn về kinh tế, trình độ học vấn còn hạn chế.
Để hỗ trợ người khuyết tập tiếp cận công nghệ số, theo tôi, cần có sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Trước tiên, cần cung cấp các thiết bị công nghệ với giá ưu đãi hoặc miễn phí thông qua các chương trình hỗ trợ xã hội. Đồng thời, phát triển các phần mềm, ứng dụng thân thiện với người khuyết tật, đơn giản dễ dàng sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số miễn phí, đơn giản và thực tiễn để người khuyết tật có thể học và ứng dụng vào cuộc sống.
Cuối cùng, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của công nghệ đối với người khuyết tật, khuyến khích sự hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường số hòa nhập, giúp họ có cơ hội phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống.
+ Vậy từ phía các tổ chức và chính bản thân người khuyết tật, họ cần làm gì để có thể tham gia vào quá trình tiếp cận công nghệ số, xin bà chia sẻ?
Bà Đỗ Thị Huyền: Để tham gia vào quá trình chuyển đổi công nghệ số và thúc đẩy môi trường công nghệ số tiếp cận cho tất cả mọi người, các tổ chức của người khuyết tật và cá nhân người khuyết tật cần chủ động thực hiện các hành động sau:
Một là, nâng cao nhận thức và năng lực số thông qua việc tích cực tham gia các khóa đào tạo, hội thảo về công nghệ số; tìm hiểu về các công cụ trợ năng như trình đọc màn hình, bàn phím ảo, nhận diện giọng nói; và học cách sử dụng các nền tảng số phổ biến để làm việc, học tập và giao tiếp.
Hai là, đóng góp ý kiến trong việc thiết kế công nghệ số như tham gia vào quá trình phát triển và thử nghiệm các sản phẩm công nghệ để đảm bảo tính tiếp cận; cung cấp phản hồi cho các doanh nghiệp công nghệ, nhà phát triển phần mềm về nhu cầu và thách thức của người khuyết tật; đặc biệt hợp tác với các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp để xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ tiếp cận.
Ba là, thúc đẩy chính sách và quy định về công nghệ tiếp cận thông qua việc vận động để các chính sách số hóa bao gồm tiêu chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật và thúc đẩy các bên liên quan có chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ số.
Bốn là, xây dựng cộng đồng hỗ trợ và kết nối, ứng dụng công nghệ. Có nhiều hành động để thúc đẩy việc này thông qua thành lập hoặc tham gia các nhóm, diễn đàn của người khuyết tật về công nghệ số; chia sẻ kinh nghiệm, công cụ trợ năng, và cách tiếp cận công nghệ hiệu quả với cộng đồng; khuyến khích người khuyết tật sử dụng công nghệ số để học tập, làm việc từ xa, khởi nghiệp; và sử dụng mạng xã hội, website của tổ chức Hội để lan tỏa thông tin, kinh nghiệm về công nghệ tiếp cận.
Như vậy, bằng cách chủ động tham gia và thúc đẩy công nghệ số tiếp cận, người khuyết tật không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình mà còn đóng góp vào một xã hội số hòa nhập và công bằng hơn.
Tôi tin rằng, với sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng cộng đồng người khuyết tật và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, sẽ "không ai bị bỏ lại phía sau", góp phần vào quá trình làm chủ chuyển đổi số ở Việt Nam.
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!
Lê Hoa (thực hiện)