Ngày 30.4.2025 đánh dấu tròn nửa thế kỷ kể từ thời khắc lịch sử của dân tộc – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Dư âm hào hùng ấy một lần nữa được khơi dậy trong lễ diễu binh và diễu hành trọng thể diễn ra tại TP.HCM, với sự tham gia của hàng vạn người dân, lực lượng vũ trang và đại diện các tầng lớp xã hội. Điểm đặc biệt của lễ kỷ niệm lần này không chỉ ở quy mô tổ chức, mà còn nằm ở cách tinh thần chiến thắng 30.4 được truyền tải mạnh mẽ ra thế giới, thông qua sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ truyền thông hiện đại.
Khối quân đội diễn hành qua lễ đài - Ảnh: T.V
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng, ngành truyền thông, báo chí Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về hạ tầng, phương thức sản xuất nội dung và năng lực tiếp cận công chúng toàn cầu. Những tiến bộ ấy đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc lan tỏa thông điệp về ý nghĩa lịch sử, giá trị hòa bình, khát vọng phát triển và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam nhân dịp trọng đại 30.4.
Lễ diễu binh năm nay không chỉ được truyền hình trực tiếp trên các kênh quốc gia mà còn được livestream đồng thời trên hàng chục nền tảng số, từ Facebook, Youtube, TikTok đến các trang web của cơ quan báo chí, thông tấn. Mỗi nền tảng được tối ưu hóa để phù hợp với nhóm người xem khác nhau, với ngôn ngữ và cách thể hiện linh hoạt, thân thiện, hấp dẫn. Một số kênh còn sử dụng công nghệ phụ đề tự động và phiên dịch trực tuyến, giúp người xem quốc tế dễ dàng tiếp cận nội dung. Nhờ đó, không khí trọng thể và hào hùng của lễ kỷ niệm được lan tỏa mạnh mẽ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đến với bạn bè khắp năm châu.
Nữ chiến sĩ QĐND Việt Nam diễu hành qua lễ đài
Chưa bao giờ, một sự kiện chính trị, xã hội tại Việt Nam lại có sức lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng và đa chiều như vậy. Hình ảnh các khối diễu binh nghiêm trang tiến qua lễ đài, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên bầu trời phương Nam, ánh mắt xúc động của những người dân đứng dọc đại lộ Lê Duẩn… tất cả đều được ghi lại bằng thiết bị hiện đại như drone, camera 360 độ, thiết bị thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Điều này không chỉ giúp người dân trong nước có được trải nghiệm sống động mà còn mang đến cho khán giả quốc tế một góc nhìn chân thực, đầy cảm xúc về một Việt Nam hiện đại, vững vàng và luôn trân trọng quá khứ.
Các chiến sĩ QĐND Việt Nam diễu hành qua lễ đài
Không dừng lại ở việc ghi nhận sự kiện, công nghệ truyền thông còn góp phần kể lại câu chuyện của dân tộc Việt Nam bằng ngôn ngữ của thời đại số. Từ các clip tư liệu được xử lý bằng AI phục dựng hình ảnh, đến những phóng sự mang tính trải nghiệm cá nhân; từ các bài viết phân tích trên báo điện tử đến loạt bài infographic trên mạng xã hội... tất cả tạo nên một “hệ sinh thái thông tin” phong phú, đa chiều, đồng thuận về thông điệp nhưng đa dạng về hình thức.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan truyền thông chính thống và đội ngũ sáng tạo nội dung trên nền tảng số đã giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ, đồng thời truyền đi thông điệp tích cực về đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Một nữ phóng viên đã tác nghiệp tại đại lễ 30.4
Đáng chú ý, trong chuỗi các hoạt động phục vụ truyền thông cho sự kiện, Trung tâm Báo chí phục vụ đại lễ 30.4 tại TP.HCM đã phát huy vai trò là đầu mối hỗ trợ kỹ thuật và điều phối thông tin cho hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế. Được trang bị hệ thống máy chủ mạnh, đường truyền internet tốc độ cao, thiết bị biên tập hiện đại và khu tác nghiệp chuyên biệt, trung tâm trở thành “bệ phóng” quan trọng giúp các cơ quan báo chí xử lý tin bài, dựng hình ảnh, truyền tín hiệu trực tiếp về tòa soạn một cách nhanh chóng và ổn định.
Các nhà báo đưa tin sự kiện 30.4 đang tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí phục vụ đại lễ 30.4
Ngay từ nhiều ngày trước lễ diễu binh, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tại TP.HCM, các đài truyền hình quốc gia và địa phương để bố trí mặt bằng, cung cấp thẻ tác nghiệp, chuẩn hóa nội dung thông tin và đảm bảo kết nối đường truyền 24/24. Vào ngày diễn ra sự kiện, nơi đây hoạt động hết công suất, trở thành “bộ não truyền thông” giúp kết nối hiện trường với hệ thống báo chí cả nước, đồng thời là điểm trung chuyển dữ liệu để truyền thông quốc tế có thể tiếp cận nguồn tin chính xác và kịp thời.
Đội ngũ phóng viên có mặt tại khu vực tác nghiệp đưa tin đại lễ 30.4 từ lúc 3 giờ sáng
Cũng trong dịp này, hàng loạt cơ quan báo chí và nền tảng nội dung số đã triển khai các chiến dịch truyền thông đặc biệt. Nhiều tòa soạn lớn dành riêng chuyên trang, chuyên mục cho sự kiện 30.4 với hàng trăm bài viết, video, podcast… phản ánh sâu sắc cả quá khứ hào hùng lẫn hiện thực đổi mới của đất nước. Một số kênh truyền thông quốc tế uy tín như: NHK (Nhật Bản), CNA (Singapore), DW (Đức), CGTN (Trung Quốc)… cũng đưa tin và bình luận tích cực về lễ diễu binh, trong đó nhấn mạnh nỗ lực hòa bình, tinh thần tự lực tự cường và khát vọng phát triển của Việt Nam trong hành trình sau chiến tranh.
Phóng viên quốc tế đưa tác nghiệp tại đại lễ 30.4
Sự lan tỏa rộng khắp ấy không thể có được nếu thiếu nền tảng hạ tầng công nghệ truyền thông số đã được đầu tư bài bản trong nhiều năm qua. Từ việc triển khai mạng 5G tại các thành phố lớn, mở rộng dung lượng truyền dẫn, xây dựng trung tâm dữ liệu hiện đại, đến việc phát triển các nền tảng nội dung số do người Việt Nam làm chủ - tất cả đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động truyền thông quốc gia đạt hiệu quả tối ưu.
Trong dịp lễ vừa qua, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được triển khai đồng bộ như truyền dẫn tín hiệu truyền hình bằng cáp quang tốc độ cao, tổ chức sản xuất từ hiện trường thông qua hệ thống OB van cơ động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để lưu trữ và phân phối nội dung kịp thời…
Thiết bị hiện đại của các cơ quan truyền thông để ghi hình đại lễ 30.4
Một yếu tố quan trọng khác là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và năng lực tác nghiệp chuyên nghiệp của đội ngũ báo chí, truyền hình, kỹ thuật viên – những người đã có mặt từ rất sớm tại hiện trường để đảm bảo mỗi khuôn hình, mỗi bản tin đều truyền tải đúng tinh thần sự kiện. Có những phóng viên không rời máy quay suốt hàng giờ đồng hồ, những biên tập viên làm việc xuyên đêm để kịp sản xuất các bản tin sáng, những kỹ thuật viên âm thầm giữ ổn định đường truyền để hàng triệu khán giả có thể theo dõi không gián đoạn. Họ là những chiến sĩ thầm lặng của “binh chủng báo chí” góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa tinh thần của đại lễ 30.4 đến với cộng đồng.
Đội ngũ phóng viên đang tác nghiệp tại lễ diễu binh 30.4
Ở một góc nhìn rộng hơn, vai trò của công nghệ truyền thông trong sự kiện 30.4 năm nay cho thấy tư duy đổi mới, thích ứng và hội nhập của Việt Nam trong công tác thông tin đối ngoại. Bằng cách kết hợp chặt chẽ giữa nội dung có định hướng và phương thức truyền tải sáng tạo, Việt Nam đang dần tạo dựng một hình ảnh quốc gia năng động, bản lĩnh và hội nhập sâu rộng với thế giới, nhưng vẫn gìn giữ vững vàng những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, chủ quyền và bản sắc dân tộc.
Chiến thắng 30.4 không chỉ là dấu mốc chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất. Sau 50 năm, tinh thần ấy vẫn nguyên vẹn và tiếp tục được nuôi dưỡng bằng tình yêu đất nước, bằng nỗ lực xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Công nghệ truyền thông hôm nay chính là cánh tay nối dài giúp truyền tải tinh thần ấy đến với thế giới, không chỉ như một kỷ niệm, mà như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Tiểu Vũ