Trân quý lịch sử, kiến tạo tương lai
Trong sắc cờ hoa rực rỡ và thanh âm tưng bừng của Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025), hình ảnh nữ cán bộ Đoàn với giọng nói rành mạch, ánh mắt rạng ngời niềm tự hào, tự tin thay mặt tuổi trẻ cả nước phát biểu, đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Gương mặt sáng, phong thái tự tin, nội dung, thông điệp bài phát biểu rõ ràng... ngay lập tức đã gây “sốt” cộng đồng mạng, nhất là trong giới trẻ.
Đồng chí Huỳnh Mạnh Phương.
Ý thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào hiếm có trong đời, Huỳnh Mạnh Phương không chỉ nói thay tiếng lòng của tuổi trẻ cả nước mà còn khẳng định trách nhiệm thiêng liêng của thế hệ mình trong sứ mệnh kế thừa, tiếp nối truyền thống cha ông.
“Thế hệ chúng ta lớn lên trong hòa bình, được học tập trong những giảng đường khang trang, làm việc với công nghệ hiện đại. Thành quả đó có được nhờ sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ ông cha. Nếu không biết trân quý lịch sử, sẽ không thể kiến tạo tương lai”, Phương nói.
Trên cương vị Ủy viên Ban chấp hành Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn trường, Phương luôn đau đáu với công tác giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên. Theo cô, người trẻ hôm nay có rất nhiều cơ hội, khát khao vươn lên chiếm lĩnh kiến thức, làm chủ kỹ năng, nhưng nếu ở đâu đó hoặc lúc nào đó, người trẻ coi nhẹ việc rèn luyện bản lĩnh, không chú trọng giáo dục tình yêu Tổ quốc, sẽ khó có thể đứng vững và thành công.
Trong quá trình học tập, công tác, Phương quan niệm rằng, hành trình cống hiến của tuổi trẻ cần bắt đầu từ những việc rất đời thường, như chăm chỉ học tập, đi làm đúng giờ, hoàn thành tốt công việc; không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng dấn thân vào thử thách, khó khăn; có tinh thần đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực… Hiệu quả học tập, công tác, cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho cơ quan, đơn vị; tri ân thế hệ cha anh... chính là những biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước.
Đông đảo bạn trẻ thể hiện tình yêu Tổ quốc trong đại lễ 30-4-2025.
Theo Phương, trở ngại nhất của thanh niên không phải là hoàn cảnh, mà là sự tự ti, chùn bước, bi quan... trong chặng khởi đầu, khởi nghiệp. Khi đã bước đi, dù nhanh hay chậm, quan trọng nhất là ý chí, bản lĩnh và sự quyết tâm...
Trưởng thành từ nhiệt huyết cống hiến
Huỳnh Mạnh Phương sinh năm 1988, tại Bình Dương. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phương đã là sinh viên ưu tú của UEL. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng với tấm bằng loại giỏi, Phương có thời gian trải nghiệm công việc ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm. Thế rồi, chính cái duyên với môi trường giáo dục và đam mê công tác Đoàn đã giúp cô gắn bó với nghề nhà giáo.
Trong chiến dịch “Mùa hè xanh” đầu tiên, khi còn là sinh viên năm nhất, Phương đã được tín nhiệm làm Đội trưởng đội hình tình nguyện tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Đây là địa bàn trọng điểm của chiến dịch tình nguyện năm đó, nhưng đội hình chỉ với 13 chiến sĩ, trong đó hầu hết anh chị lớn tuổi hơn nên Phương cảm thấy nhiều áp lực. Nhưng bằng sự đoàn kết, giúp đỡ của các thành viên trong đội, sự động viên của Ban chỉ huy và địa phương, đội hình của Phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với rất nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ. Mùa hè xanh năm ấy trở thành bài học đầu đời, giúp Phương học cách đặt tập thể lên trên cái “tôi”, biết lắng nghe, chia sẻ và vượt qua áp lực trong các phong trào.
Chính từ trải nghiệm ấy, Phương bước vào công tác Đoàn với tâm thế của một người hiểu rõ giá trị của từng hành động nhỏ. Một chương trình thành công không chỉ bởi kịch bản hay, mà bởi sự đồng lòng, một hoạt động ý nghĩa không nằm ở quy mô mà ở sự “chạm” đến trái tim đoàn viên.
Trường Đại học Kinh tế - Luật đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển. Phương tâm sự rằng, cô cảm thấy may mắn và hạnh phúc được làm cán bộ Đoàn ở môi trường có nhiều người tài năng và tâm huyết. Công tác Đoàn - Hội của trường luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo và sự đồng hành, tương trợ từ những cán bộ Đoàn thế hệ đi trước.
Các mô hình, hoạt động được triển khai tại đơn vị đều là sản phẩm của trí tuệ tập thể và sự đồng lòng trên dưới của các cấp bộ Đoàn - Hội. Với vai trò Bí thư Đoàn trường, cô luôn nỗ lực đổi mới cách tiếp cận, từ tổ chức diễn đàn sáng tạo, xây dựng các nhóm hỗ trợ sinh viên, phát động mô hình “sống xanh, sống đẹp”, đến tạo dựng không gian truyền cảm hứng về lịch sử dân tộc thông qua công nghệ và hình thức kể chuyện mới. Đó là cách để Đoàn không chỉ là một “tổ chức chính trị xã hội” mà trở thành nơi “mỗi bạn trẻ thấy mình được lắng nghe, được thúc đẩy phát triển”. Và đó cũng là tiền đề để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị là một nhà giáo trẻ.
KIỀU OANH