Công nghiệp cơ khí tìm cách chiếm lĩnh thị phần

Công nghiệp cơ khí tìm cách chiếm lĩnh thị phần
5 giờ trướcBài gốc
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí ở Biên Hòa. Ảnh: V.GIA
Hiện cơ khí Việt Nam mới chiếm khoảng 7% thị phần, trong khi đó dự báo đến năm 2030, quy mô của ngành này có giá trị đến 300 tỷ USD, bài toán vươn lên, chiếm lĩnh thị trường đang đặt ra rất lớn cho DN Việt.
Chưa tương xứng tiềm năng
Công nghiệp hóa với nhiều ngành sản xuất được mở ra là thị trường rất tốt cho ngành cơ khí phát triển khi nhu cầu tăng cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), các DN Việt Nam hiện nay đã có thể đảm nhận tốt hơn những lĩnh vực sản phẩm như: khuôn mẫu, linh kiện cơ khí, nhựa và cao su kỹ thuật... Một số DN đã hợp tác được với các đối tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và gia công xuất khẩu.
Dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, song nhìn chung toàn ngành, sản phẩm của đa số DN trong nước vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh.
Tại Đồng Nai, DN ngành cơ khí của người Việt ngày càng tự tin hơn trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới, nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Do đó, sản phẩm chưa đa dạng, năng lực sản xuất lớn vẫn là ẩn số.
Từ ngày 17 đến 19-10 tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2024. Triển lãm có quy mô gần 250 gian hàng của hơn 180 DN trong nước và quốc tế, dự kiến thu hút khoảng 15 ngàn lượt khách. Với sự hiện diện của các đơn vị lớn như: Tập đoàn Trường Hải, Toyota Việt Nam, TCT Veam, Hyundai, Samsung... sẽ là cơ hội để các DN quảng bá, hợp tác kinh doanh.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), đánh giá số lượng DN Việt có tên tuổi còn rất hạn chế. Phần nhiều vẫn còn phụ thuộc vào các công ty xây dựng ngoại, nhất là các dự án nhà máy của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các hiệp hội DN nước ngoài thường có các nhà máy liên kết với nhau để cung ứng dịch vụ cho thành viên của mình, vì vậy, đối với đa số các DN nhỏ, việc tiếp cận rất khó khăn. Bên cạnh đó, các DN trong nước còn cạnh tranh với nhau nên thị phần lại càng khiêm tốn.
Về lâu dài, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, công nghiệp cơ khí, vẫn còn rất nhiều động lực để phát triển. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó, có một số ngành như: công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực sản xuất sẽ kéo theo nhu cầu lớn về công nghiệp hỗ trợ, các DN Việt có cơ hội tham gia một số công đoạn, trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Xây dựng chính sách phát triển cho ngành
Theo PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định ngành cơ khí Việt Nam mục tiêu có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông Cường, để gia tăng giá trị cho ngành, đòi hỏi cấp thiết là phải tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ, khoa học - công nghệ về cơ khí chính xác, kết hợp khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm.
Chế tạo sản phẩm cửa nhôm chất lượng cao tại một doanh nghiệp ở huyện Long Thành. Ảnh: VƯƠNG THẾ
Trong quy hoạch của Đồng Nai, công nghiệp hỗ trợ nói chung, cơ khí chế tạo nói riêng được xác định là chủ lực phát triển. Đồng Nai hướng tới phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, là động lực tăng trưởng chính trong những năm tới của nền kinh tế. Đồng Nai xác định tập trung vào 5 nhóm ngành chính là: công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác; điện, điện tử; sản xuất phương tiện vận tải; hóa chất và nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm.
Về mục tiêu cụ thể của một số ngành thì công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác phấn đấu đóng góp vào tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước. Tập trung nâng cao giá trị khâu sản xuất, lắp ráp và hình thành trung tâm nghiên cứu, phát triển chuyên biệt. Tỉnh tập trung thu hút các DN trên lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, xe tải, xe thế hệ mới (xe điện) và linh kiện máy bay…
Phát triển công nghiệp cơ khí cần phải nói đến vai trò của những cánh chim đầu đàn, các tập đoàn lớn về chế tạo của Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Trường Hải, xuất phát từ Đồng Nai, là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công nghiệp sản xuất ô tô. Bên cạnh Khu công nghiệp chuyên ngành ô tô Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam, tập đoàn này đang thành lập Khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ ở Bình Dương. Đây cũng là cơ hội để các DN nhỏ và vừa trong khu vực Đông Nam Bộ phát triển năng lực, tham gia vào chuỗi cung ứng của Trường Hải.
Văn Gia
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/cong-nghiep-co-khi-tim-cach-chiem-linh-thi-phan-3945940/