Công nhân bước vào kỷ nguyên mới

Công nhân bước vào kỷ nguyên mới
4 giờ trướcBài gốc
Công nhân Công ty Hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (huyện Trảng Bom) sản xuất tại doanh nghiệp. Ảnh: N.Hòa
Nhiều doanh nghiệp (DN) rất xem trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách ứng dụng dây chuyền tự động, hệ thống điều khiển thông minh và công nghệ cao trong sản xuất. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đặt ra yêu cầu nâng cao kỹ năng tay nghề đối với CNLĐ.
Chuyển mình trong thời đại công nghệ
Anh Trần Xuân Quyết, lao động kỹ thuật tại Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (huyện Long Thành), cho hay từ một công nhân sản xuất với thu nhập thấp, anh tự học hỏi nâng cao kỹ năng nghề và hiện có thể vận hành các loại máy sản xuất giấy hiện đại được công ty nhập từ nước ngoài về. Đặc tính của những loại máy này là công nhân chỉ vận hành, lập trình qua màn hình máy tính và điều khiển thông số kỹ thuật, các sản phẩm tự động hoàn thiện mà CNLĐ không còn làm vất vả như trước.
Tại các DN, CNLĐ không chỉ giỏi trong vận hành dây chuyền sản xuất, mà còn giám sát dữ liệu, phân tích thông số kỹ thuật, sử dụng phần mềm quản lý và tương tác với hệ thống số hóa. Điển hình như Công ty TNHH Công nghiệp chính xác VPIC (huyện Trảng Bom), trong 5 năm gần đây, DN này liên tục nhập các máy hàn robot và máy CNC trong sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ xuất khẩu. Hơn 80% lao động tại đây chủ động học tập, vận hành được các loại máy CNC, xác định chuẩn các thông số, lập trình, tạo ra mô hình 2D, 3D của sản phẩm hoàn thiện sau gia công, đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất.
Theo Giám đốc Quản lý sản xuất công ty Nguyễn Xuân Sinh, khi những dây chuyền tự động đưa vào sản xuất, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn của CNLĐ rất cao để vận hành máy hiệu quả. Hiện lao động của công ty đều có tay nghề vững và có kỹ thuật cao, làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, trong sản xuất, nếu máy móc hoạt động kém, không đạt chất lượng, CNLĐ tự mày mò nghiên cứu, cải tiến làm lợi cho DN như: làm khuôn mẫu khung, sườn xe thể thao, cải tiến gá khoan… Những sáng kiến này ứng dụng ở các xưởng sản xuất và mang lại giá trị rất lớn cho DN. Từ đó, khẳng định trí tuệ, sức sáng tạo của người lao động.
Ghi nhận tại các DN cho thấy, lao động tay nghề cao có thể làm nhiều vị trí công việc khác nhau và họ tiếp cận công nghệ hiện đại nhanh, được DN đánh giá cao.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Koikeya Việt Nam (huyện Long Thành) Naoji Ishii cho biết, sự chuyển mình của CNLĐ không chỉ là về công cụ, kỹ năng, mà còn là sự chuyển biến trong tư duy. Từ tâm thế thụ động chờ giao việc, nhiều công nhân đã biết đề xuất cải tiến, tự học, tự làm chủ công việc của mình. Tư duy đổi mới, thái độ làm việc tích cực đã giúp công nhân hòa nhập với thời đại số và có chỗ đứng vững chắc tại DN với thu nhập tương xứng.
Tại Hội nghị Tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tháng 3-2025, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN nhấn mạnh, đội ngũ CNLĐ cần tiếp tục thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, tham gia tích cực các phong trào thi đua, đóng góp quan trọng hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Tiên phong trong đổi mới, sáng tạo
CNLĐ đang không ngừng vươn lên, góp phần nâng tầm vị thế tại DN. Nhiều lao động trở thành người tiên phong trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giúp DN tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm tác động đến môi trường. Những ý tưởng nhỏ của CNLĐ trên chuyền máy đã tạo ra những bước đột phá lớn, khẳng định vị trí của họ trong tiến trình phát triển kinh tế hiện đại.
Chị Đỗ Thị Thùy Dương, Giám đốc Cải tiến của Công ty TNHH Fashion Gament 2 ( thành phố Biên Hòa), là điển hình lao động năng động, sáng tạo tại DN. Hàng năm, các sáng kiến của chị Thùy Dương được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần cải thiện môi trường làm việc, tiết kiệm chi phí rất lớn cho DN. Riêng năm 2024, chị Thùy Dương hài lòng vì đã cùng với nhóm cải tiến tại công ty sáng kiến gần 1,2 ngàn ý tưởng, tiết kiệm cho DN trên 189 ngàn USD…
Các tấm gương tiêu biểu như anh Lê Hữu Cường, Trợ lý Trưởng khối kỹ thuật Công ty TNHH Việt Nam NOK (Khu công nghiệp Amata), đóng góp 76 ý tưởng sáng kiến giúp giảm hàng lỗi, giảm tiêu hao nguyên - nhiên - vật liệu, tiết kiệm 7,6 tỷ đồng/năm; anh Nguyễn Nhật Tài, công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam, với sáng kiến giúp công ty tiết kiệm 12.460 USD/tháng…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đội ngũ CNLĐ Đồng Nai đã chủ động chuyển mình, nâng cao tay nghề, làm chủ máy móc, công nghệ. Bên cạnh đó, CNLĐ rèn luyện tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật, thích ứng công việc. Việc này thể hiện qua các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động, đã khơi dậy khả năng sáng tạo, hăng say lao động của CNLĐ. Riêng năm 2024, ở khối sản xuất, toàn tỉnh có hơn 2,8 ngàn đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hơn 31 ngàn ý tưởng sản xuất từ người lao động, tiết kiệm cho các đơn vị, DN hàng chục tỷ đồng.
Theo các cán bộ Công đoàn, để công nhân tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản xuất, đóng vai trò chủ chốt trong phát tiển kinh tế - xã hội địa phương, rất cần sự chung tay của cả hệ thống, từ chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi số, đến xây dựng môi trường làm việc an toàn, nhân văn và hiện đại. Các DN cần coi CNLĐ là trung tâm của sự phát triển bền vững, tạo điều kiện cho họ học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tạo các chính sách phúc lợi. Tổ chức Công đoàn và các đơn vị giáo dục nghề nghiệp cần đồng hành, xây dựng những chương trình hỗ trợ để công nhân có cơ hội cập nhật kiến thức mới, phát triển nghề nghiệp bền vững; đồng thời, tăng cường vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Nguyễn Hòa
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202504/cong-nhan-buoc-vao-ky-nguyen-moi-36414b9/