Công bố mới đây của UBND tỉnh Khánh Hòa về chỉ số và xếp hạng kết quả cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cho thấy, hầu hết đơn vị tiếp tục chuyển biến tích cực.
Một góc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Không còn đơn vị xếp hạng trung bình
So với năm 2023, năm 2024, toàn tỉnh giảm 1 đơn vị xếp hạng trung bình về kết quả CCHC và duy trì không có đơn vị xếp hạng yếu. Trong 4 khối cơ quan được đánh giá, xếp hạng, 3 khối (gồm 6 cơ quan ngành dọc, 8 đơn vị cấp huyện, 7 đơn vị sự nghiệp) đều có tất cả đơn vị xếp hạng tốt; khối sở cũng có 19/21 cơ quan xếp hạng tốt, còn lại hạng khá. Toàn tỉnh có 23 đơn vị có chỉ số CCHC từ 90% trở lên, tăng 7 đơn vị so với năm 2023, tiêu biểu như: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND huyện Cam Lâm, Trường Đại học Khánh Hòa… Đa số đơn vị không có nhiệm vụ trễ hạn.
Ở nội dung tác động CCHC, điểm số được quy đổi theo kết quả chỉ số hài lòng năm 2024 so với kế hoạch CCHC tỉnh (trên 87%). Đáng mừng là chỉ số hài lòng năm 2024 của các khối cơ quan đều tăng và không cơ quan nào dưới mức 80%; tăng cao nhất là khối công an. Các cơ quan đạt điểm tối đa ở nội dung này gồm: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 5 UBND cấp huyện: Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn.
Năm 2024, trong 42 cơ quan, đơn vị, địa phương được đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC, có 40 đơn vị xếp hạng tốt; 2 đơn vị hạng khá; không có đơn vị xếp hạng trung bình và yếu. So với năm 2023, hạng tốt tăng 5 đơn vị; hạng khá giảm 4 đơn vị; hạng trung bình giảm 1 đơn vị; duy trì không có đơn vị xếp hạng yếu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 80,82%; tỷ lệ cấp hồ sơ kết quả điện tử đạt 86,51%. Trong năm, Khánh Hòa đã phát sinh hơn 41.600 lượt giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với tổng số tiền thuế, phí, lệ phí đã thanh toán gần 183 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng và tăng 42% so với năm 2023.
Nhiều đơn vị đạt điểm tối đa
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhiều đơn vị đạt điểm tối đa ở từng nội dung. Cụ thể, về ban hành và thực hiện kế hoạch CCHC, có 34/42 đơn vị đạt điểm tối đa; kiểm tra công tác CCHC 40/42 đơn vị; tuyên truyền CCHC 38/42 đơn vị; thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ 40/42 đơn vị; đổi mới, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ CCHC 31/42 đơn vị...
Lĩnh vực cải cách thể chế ghi dấu ấn tích cực với 33/42 đơn vị đạt điểm tối đa, chiếm 78,6%. Trong đó, 8/8 UBND cấp huyện đạt điểm tối đa về kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm, tất cả sở, ban, ngành đều được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trước khi tham mưu ban hành đều gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp thẩm định nên đều đạt điểm tối đa ở tiêu chí này.
Ở lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, một số nội dung có 100% cơ quan đạt điểm tối đa như: Xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị; số hóa, luân chuyển, xử lý văn bản đi, đến trên phần mềm E-Office; sử dụng chứng thư số, chữ ký số trên văn bản điện tử; tỷ lệ văn bản đi được gửi dưới dạng điện tử qua phần mềm E-Office trên tổng số văn bản đi trong năm của cơ quan…
Năm 2024, có 41/42 đơn vị được điểm thưởng, riêng Văn phòng UBND tỉnh đạt điểm thưởng tối đa. Phần lớn đơn vị được điểm thưởng ở các tiêu chí, tiêu chí thành phần: Chủ động rà soát, báo cáo UBND tỉnh xử lý các vướng mắc, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực quản lý; tham gia thực hiện thí điểm các mô hình, giải pháp mới theo chỉ đạo của UBND tỉnh; có trên 20% công việc được giao trên phần mềm nhắc việc hoàn thành sớm hạn; tỷ lệ TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến đạt 90% trở lên trên tổng số TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao hơn so với năm trước; hoàn thành kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp…
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn thủ tục cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị không đạt điểm tối đa trong hoàn thành các nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, một phần do có số nhiệm vụ rất lớn. Một số cơ quan chuyên môn chưa kịp thời tham mưu phê duyệt hoặc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC; chưa hoàn thành tham mưu UBND tỉnh công bố TTHC nội bộ. Một số cơ quan chưa đạt kết quả chỉ số hài lòng so với mục tiêu…
Theo ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ, năm 2024 ghi nhận chuyển biến tích cực khi tất cả đơn vị trong 3 khối cơ quan đều xếp hạng tốt về công tác CCHC; số đơn vị có chỉ số CCHC trên 90% tăng; kết quả khảo sát sự hài lòng tăng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Mới đây, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng công tác CCHC trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của công chức, nhất là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu về công tác CCHC; quan tâm ngay từ khâu xây dựng kế hoạch CCHC; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra CCHC; tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; giảm hồ sơ trễ hạn, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến; hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy…
NGUYỄN VŨ