Công ty AI hàng đầu thế giới lâm nguy vì để mất nhiều nhân tài công nghệ

Công ty AI hàng đầu thế giới lâm nguy vì để mất nhiều nhân tài công nghệ
14 giờ trướcBài gốc
Elon Musk và Grok Team gồm những nhân tài "đào" được từ các công ty khác. Ảnh: Sohu.
Hàng loạt kỹ sư gốc Hoa được săn lùng
Tại sự kiện ra mắt Grok 4 của Elon Musk hôm 9/7 vừa qua xuất hiện hai gương mặt châu Á nổi bật, thậm chí còn chiếm vị trí trung tâm, đẩy Elon Musk ra ngoài khung hình. Đó là Ngô Vũ Hoài (Wu Yuhui) và Jimmy Ba, các thành viên sáng lập của công ty xAI do Musk thành lập.
Jimmy Ba là đệ tử của "cha đẻ AI" Geoffrey Hinton, với hơn 220.000 lượt trích dẫn trong 5 năm qua – một học giả AI lẫy lừng. Ngô Vũ Hoài là người Trung Quốc chính gốc, sinh tại Kiến Đức (Hàng Châu), học hết chương trình phổ thông tại Trung Quốc, năm nay vừa tròn 30 tuổi.
Năm 2023, Musk công bố đội ngũ sáng lập xAI gồm 12 người, trong đó gần một nửa là người gốc Trung Quốc. Ngoài hai người kể trên còn có Dương Cách, Đới Tử Hàng và Trương Quốc Đống.
Dương Cách: tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành Toán học tại Đại học Harvard, từng là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Microsoft ở Redmond.
Đới Tử Hàng: cử nhân Đại học Thanh Hoa, thạc sĩ và tiến sĩ tại Carnegie Mellon, từng là nhà nghiên cứu cấp cao tại Google.
Trương Quốc Đống: cử nhân Đại học Chiết Giang, tiến sĩ Đại học Toronto, từng làm việc tại Google và DeepMind.
Tài năng trẻ AI người Trung Quốc Ngô Vũ Hoài hiện gia nhập đội của Elon Musk. Ảnh: Nanfang.
Không chỉ Elon Musk, Mark Zuckerberg cũng đặc biệt săn lùng các kỹ sư gốc Hoa. Zuckerberg gần đây triển khai kế hoạch lập “Super Intelligence Team” do Vương Đào, cựu CEO của Scale AI, dẫn đầu với vị trí làm việc sát bên cạnh Zuckerberg.
Trên cơ sở đó, Mark Zuckerberg còn bắt đầu “tuyển sếp”, dùng mức lương cao để săn lùng các tinh hoa của Thung lũng Silicon.
Đáng chú ý nhất là thương vụ trả hơn 100 triệu USD để chiêu mộ Dư Gia Huy (Yu Jia Hui) – cựu thành viên Google Brain và OpenAI, từng tham gia phát triển nhiều mô hình AI cốt lõi, với hơn 33.000 lượt trích dẫn học thuật.
Ngoài ra, Bàng Nhược Minh (Pang Ruoming) – trưởng nhóm mô hình nền tảng của Apple, cũng bị Meta lôi kéo về với mức lương đồn đoán lên đến 200 triệu USD.
Hiện tại, trong nhóm "siêu AI" gồm 14 người của Meta, 8 người là kỹ sư gốc Hoa, chủ yếu đến từ OpenAI và DeepMind. Họ là trụ cột ngành AI toàn cầu, và sự dịch chuyển của họ có thể làm đảo lộn thế trận cạnh tranh.
OpenAI: Từ đỉnh cao đến vết nứt sâu
Mark Zuckerberg được cho là đã “đào” được ít nhất 8 nhân tài cốt cán từ OpenAI, bao gồm:
Dư Gia Huy – tham gia phát triển GPT-4.0, GPT-4.1.
Real Madrid để có được Ronaldo đã phải trả cho MU 80 triệu USD, còn Meta đã phải trả cho OpenAI 100 triệu USD mới có được Dư Gia Huy. Ảnh: Sohu.
Thường Huệ Văn (Chang Huiwen) – đồng sáng lập GPT-4.0 hình ảnh, Cử nhân Thanh Hoa – Tiến sĩ Princeton.
Nhậm Hồng Vũ (Ren Hongyu) – tạo ra các mô hình 03mini, 01mini, Cử nhân Bắc Đại, Tiến sĩ Stanford.
Triệu Thịnh Giai (Zhao Shengjia) – tham gia GPT-4 và các dự án 0, Cử nhân Thanh Hoa, Tiến sĩ Stanford.
Lâm Cát (Lin Ji) – tham gia phát triển GPT-4.0, 4.1, 4.5, 04-mini, Sora và Operator stack, Cử nhân Thanh Hoa, Tiến sĩ MIT.
Khi các nhà nghiên cứu cốt lõi đột ngột chạy khỏi OpenAI, Giám đốc nghiên cứu Mark Chen đã nổi giận, tuyên bố: “Tôi cảm thấy lục phủ ngũ tạng đang đảo lộn, giống như ai đó vừa đột nhập nhà mình và lấy đi những gì quý giá nhất”.
Ngay cả Sam Altman cũng bày tỏ sự bức xúc, châm chọc Meta rằng: “Tôi không còn nhớ họ đã lôi kéo bao nhiêu người của chúng ta về làm trưởng khoa học nữa”. Altman cũng đã cố gắng trấn an nhân tài, nhưng cách làm thì khá “khiêm tốn”. Ông cho rằng Meta chỉ quan tâm đến lương thưởng ngắn hạn, trong khi OpenAI chú trọng văn hóa đổi mới dài hạn.
Khi trình bày chiến lược giữ chân nhân tài, ông nói một cách gượng gạo rằng: “Chúng tôi có một sứ mệnh vĩ đại và những con người thực sự tài năng”. Điều đó cho thấy rõ ông đang cảm thấy lo lắng trong lòng.
Trong cuộc chiến săn đầu người này, OpenAI đang rơi vào thế bị động rõ rệt. Tuy nhiên, OpenAI không phải là bên vô tội. Trước đó, chính họ từng là "tay săn" chủ động. Trước khi gia nhập OpenAI, Dư Gia Huy từng là nhân tài quan trọng của Google, tham gia vào quá trình phát triển mô hình Gemini của hãng. Thường Huệ Văn khi gia nhập OpenAI cũng là nhà khoa học nghiên cứu tại Google. Vào tháng 12 năm ngoái, OpenAI từng trực tiếp lôi kéo 3 kỹ sư hàng đầu từ Google DeepMind.
Giờ đây, gió đã đổi chiều — OpenAI lại trở thành đối tượng bị săn. Việc bị “đào” nhân tài không hẳn là điều chí mạng. Vấn đề thực sự nghiêm trọng của OpenAI lại nằm ở khủng hoảng trong quản lý.
Tệ hơn, một số người cho rằng OpenAI đang dẫm vào vết xe đổ của Fairchild Semiconductor – công ty từng tụ hội nhân tài hàng đầu ngành bán dẫn, nhưng sụp đổ vì thất bại trong quản lý và chảy máu chất xám.
Khủng hoảng nội bộ – từ lý tưởng đến thực dụng
OpenAI được thành lập năm 2015 bởi Altman, Elon Musk, Peter Thiel… với định hướng phi lợi nhuận, nhằm “đảm bảo AI thông dụng phục vụ lợi ích toàn nhân loại”. Nhưng khi chi phí R&D tăng chóng mặt, họ buộc phải thành lập công ty vì lợi nhuận vào năm 2019, nhận đầu tư từ Microsoft (10 tỷ USD), rồi từ Softbank (40 tỷ USD).
Cuộc đảo chính nội bộ tháng 11/2023, Altman bị lật đổ và rồi được hơn 700 nhân viên phản đối mạnh mẽ đòi phục chức, đã để lại vết thương lớn dù bên ngoài không ai thấy rõ.
Kể từ đó, hàng loạt nhân sự cấp cao dứt áo ra đi: Ilya Sutskever – cựu trưởng khoa học; John Schulman – nhà khoa học máy tính sáng lập; Peter Deng – Phó giám đốc sản phẩm; Jan Leike – Trưởng nhóm an toàn…Trong số 13 người sáng lập OpenAI, hiện chỉ còn 3 người ở lại.
OpenAI vung tiền để giữ người
Google DeepMind vừa thâu tóm công ty Windsurf – đối tượng từng là mục tiêu của OpenAI. Để phản đòn, OpenAI đã tuyển 4 nhân vật nặng ký từ Tesla, xAI và Meta.
Tuy nhiên, chi phí giữ người quá đắt đỏ: Năm 2023, OpenAI chi 4,4 tỷ USD cho cổ phần thưởng, vượt 119% doanh thu (chỉ ~3,7 tỷ USD) – điều chưa từng có trong giới công nghệ. Google trước IPO chỉ chi 16% doanh thu cho cổ phần thưởng, Facebook là 6%.
Số tiền OpenAI kiếm được đều phải trả ngược cho nhân viên để họ không nhảy việc. Các nhà đầu tư sớm thì bị pha loãng cổ phần, và việc kêu gọi thêm vốn càng khó.
Tóm lại, OpenAI hiện vẫn là công ty khởi nghiệp AI mạnh nhất thế giới, nhưng họ đang ở trong vòng vây của các gã khổng lồ Mỹ (Meta, Google, xAI, Anthropic…) đang ra sức cướp nhân tài và các công ty Trung Quốc đang trỗi dậy với mô hình mạnh và nhân sự tài năng gốc Hoa.
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/cong-ty-ai-hang-dau-the-gioi-lam-nguy-vi-de-mat-nhieu-nhan-tai-cong-nghe-post187599.html