Tiến gần mục tiêu nâng hạng
Sau nhiều năm nỗ lực, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng: khả năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 sắp tới của FTSE và tiến xa hơn là MSCI.
Đường đến thị trường mới nổi ngày càng gần. Cơ hội này không đơn thuần là cột mốc mang tính biểu tượng với chứng khoán Việt, mà đi cùng với đó sẽ là dòng vốn tỷ USD từ nhà đầu tư ngoại, mở ra cơ hội cho những cổ phiếu đầu ngành và còn “room” cho khối ngoại.
Số liệu tại các thị trường tham chiếu như UAE, Qatar và Trung Quốc cho thấy, khối ngoại thực hiện mua ròng từ 2-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo chấp thuận nâng hạng, cũng như thời gian bắt đầu quá trình chuyển đổi. Đối với MSCI, khối ngoại hành động sớm hơn từ 4-5 tháng, do quy mô các quỹ tham chiếu theo bộ chỉ số và mức độ ảnh hưởng của MSCI lớn hơn FTSE Russell.
Dấu hiệu trên dường như đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng trong 8 phiên liên tiếp, với giá trị mua ròng mỗi phiên hơn ngàn tỷ đồng, tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành. Tính từ đầu tháng 7/2025 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 11.500 tỷ đồng trên HoSE, đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại.
Mới đây, JPMorgan (ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) nâng đánh giá cổ phiếu Việt Nam lên mức “overweight” (mua vào/tăng tỷ trọng) trong danh mục đầu tư. JPMorgan còn nâng dự báo Chỉ số VN-Index năm nay lên 1.500 - 1.600 điểm và cho rằng, việc áp dụng non-prefunding vào tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch giúp tăng khả năng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi trong đợt đánh giá tháng 9/2025.
Đi cùng dòng tiền lớn, tâm lý tích cực và thanh khoản sôi động trên thị trường được dự báo mở ra cơ hội lớn cho nhóm công ty chứng khoán - những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình nâng hạng.
Nhiều cơ hội mới
Tâm lý tích cực trên thị trường thúc đẩy sự gia tăng khối lượng giao dịch, đây là yếu tố giúp tăng lợi nhuận từ hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán. Tại thời điểm cuối quý I/2025, 52% tài sản đầu tư tài chính của công ty chứng khoán được sử dụng cho nghiệp vụ tự doanh, 48% được sử dụng cho mục đích cho vay giao dịch ký quỹ. Mảng tự doanh vẫn đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận gộp của đa số công ty chứng khoán.
Dự báo của SHS cho rằng, thị trường Việt Nam có thể được phân bổ tỷ trọng 0,3% trong giỏ Chỉ số FTSE EM. Tổng dòng vốn vào ròng từ các quỹ ETF và các quỹ đầu tư bị động theo FTSE EM dao động khoảng 0,5 - 1 tỷ USD. Dòng vốn từ các quỹ chủ động có thể gấp 5 lần so với dòng vốn từ các quỹ bị động, nhưng khó ước tính con số chính xác do phụ thuộc quyết định đầu tư của các quỹ.
Do đó, các công ty chứng khoán tập trung vào phân khúc khách hàng tổ chức, như Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCI) và Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HCM), sẽ được hưởng lợi khi triển khai dịch vụ không yêu cầu ký quỹ, cùng dòng vốn dự kiến chảy vào thị trường Việt Nam.
Đi cùng các công ty chứng khoán lớn đã có lợi thế nhất định, sự sôi động của thị trường cũng mở ra cơ hội với toàn ngành. Trong đó, các công ty có liên kết với ngân hàng tư nhân được kỳ vọng đóng góp đáng kể trong tăng trưởng lợi nhuận ngành năm 2025 nhờ tận dụng mạng lưới và nguồn vốn từ ngân hàng để mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ, phân phối trái phiếu, hưởng điều kiện thị trường thuận lợi.
“Không phải tất cả tổ chức tài chính đều có cơ hội như nhau trong quá trình nâng hạng, mà chỉ những tổ chức chuẩn bị tốt về chiến lược kinh doanh, nguồn lực (nhân sự và nguồn vốn) và hạ tầng công nghệ mới tận dụng được làn sóng nâng hạng này một cách bền vững”, ông Nguyễn Đức Quân Tùng, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán OCBS đánh giá
Lãnh đạo OCBS cho biết thêm, Công ty đang tái định vị theo mô hình ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản chuyên nghiệp với ba mũi nhọn chiến lược: ngân hàng đầu tư, kinh doanh nguồn vốn và dịch vụ chứng khoán định hướng Wealth tech. Bên cạnh đó, việc hợp tác chiến lược toàn diện với Ngân hàng OCB sẽ giúp OCBS gia tăng năng lực cạnh tranh, có lợi thế vượt trội về nguồn vốn, năng lực công nghệ và hệ sinh thái sản phẩm.
Đi cùng các nỗ lực nắm bắt cơ hội trong giai đoạn mới, diễn biến tích cực của các cổ phiếu chứng khoán đầu ngành trên thị trường cũng phản ánh kỳ vọng cao của nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngoại mua ròng cổ phiếu SSI từ giữa tháng 6/2025 đến nay, với 20 phiên liên tiếp (tính đến cuối phiên giao dịch ngày 11/7). Cổ phiếu HCM được khối ngoại mua ròng 12 phiên liên tiếp. Cổ phiếu VCI tăng kịch trần trong phiên ngày 11/7 và hút ròng vốn ngoại liên tục 7 phiên…
Hiện chỉ số P/B, P/E của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang tăng trở lại sau khi giảm xuống mức trung bình 10 năm. Tại thời điểm ngày 17/6/2025, định giá P/B ngành chứng khoán cao hơn so với trung bình 10 năm, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất đã ghi nhận, cho thấy định giá ngành vẫn ở mức hấp dẫn.
Thủy Triều