Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?
6 giờ trướcBài gốc
Sự bùng nổ vay ký quỹ trong quý 1/2025 của các công ty chứng khoán không chỉ phản ánh sức nóng của dòng tiền đầu tư, mà còn hé lộ những thách thức tiềm ẩn về quản trị rủi ro trong bối cảnh tỷ lệ cho vay tại nhiều công ty đã tiệm cận hoặc vượt vốn chủ sở hữu.
VPS, KAFI, SSI DẪN ĐẦU THỊ TRƯỜNG QUÝ 1/2025
Bức tranh tài chính quý 1/2025 cho thấy một làn sóng bùng nổ vay ký quỹ (margin) tại nhiều công ty chứng khoán. Nổi bật trong nhóm có tốc độ tăng trưởng dư nợ margin cao nhất phải kể đến VPS, Kafi, SSI, VCBS và VPBankS, với mức tăng từ hơn 20% tới gần 50% so với đầu năm.
Công ty Chứng khoán VPS nổi bật nhất khi ghi nhận dư nợ cho vay margin vượt 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 47% so với đầu năm và tăng gần 10% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, đi kèm với đà tăng này là mức tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu rất cao, đạt 183%, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ vào khoảng 12.097 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, VPS dù ghi nhận doanh thu giảm 6%, nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng mạnh 46% lên mức 918 tỷ đồng.
Ngay sau VPS là Công ty Chứng khoán Kafi cũng gây chú ý với mức tăng dư nợ margin lên tới 44%, đạt 7.600 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 5.314 tỷ đồng, tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu tại Kafi đạt 143,4%. Sự bùng nổ cho vay kéo theo kết quả kinh doanh tích cực: doanh thu hoạt động gần 380 tỷ đồng, tăng gần 170% và lợi nhuận sau thuế tăng tới 175%, đạt 73 tỷ đồng.
Không chịu kém cạnh, Công ty Chứng khoán VPBankS ghi nhận dư nợ margin 12.760 tỷ đồng, tăng 35,1% so với đầu năm. Tuy có mức vốn chủ sở hữu khiêm tốn hơn (2.975 tỷ đồng), tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 73,3%. Kết quả kinh doanh của VPBankS cũng khởi sắc với doanh thu tăng 21% và lợi nhuận trước thuế gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Chứng khoán VCBS cũng ghi nhận sự tăng trưởng về dư nợ margin, đạt 7.133 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, mức dư nợ này lại giảm nhẹ 1,7%. Điều đáng lưu ý là trong khi dư nợ tăng, doanh thu và lợi nhuận của VCBS lại giảm, lần lượt giảm 14% và giảm xuống còn 100,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong nhóm dẫn đầu còn có Công ty Chứng khoán SSI, với dư nợ cho vay margin và ứng trước hơn 27.100 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cuối 2024 và hơn 28% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dư nợ margin của SSI đã vượt vốn chủ sở hữu (26.800 tỷ đồng). Quý 1/2025, SSI ước đạt 2.200 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 22% và 24% kế hoạch năm.
LOẠT CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TIỆM CẬN TRẦN TỶ LỆ DƯ NỢ
Cuộc đua cho vay margin trong khối công ty chứng khoán đang trở nên sôi động khi nhiều cái tên lớn đã tiến sát mức trần tỷ lệ dư nợ/vốn chủ sở hữu <= 200%. Nổi bật trong nhóm này là Chứng khoán HCM, Mirae Asset, MBS, VPS và FTS.
Dẫn đầu là Chứng khoán HCM (HSC) dư nợ cho vay margin đạt 20.389 tỷ đồng, tương đương 195% vốn chủ sở hữu. Dù giảm nhẹ 0,2% so với cuối năm 2024, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng mạnh 43%. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 của HSC giảm 18%, chỉ còn 227 tỷ đồng, cho thấy áp lực lợi nhuận khi dư nợ quá cao.
Ngay sau HSC, Chứng khoán Mirae Asset cũng ghi nhận dư nợ margin cao, đạt 17.510 tỷ đồng, chiếm hơn 183% vốn chủ sở hữu. Mức cho vay của Mirae Asset trong quý 1/2025 dù đã giảm 4,1% so với cuối năm 2024, nhưng vẫn tăng mạnh hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không kém cạnh, Chứng khoán FTS cũng bứt tốc khi dư nợ cho vay margin quý 1/2025 đạt hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 170% vốn chủ sở hữu (4.270 tỷ đồng). Khác với Mirae Asset, FTS ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn cả so với cuối năm 2024 (tăng 5,3%) lẫn cùng kỳ năm ngoái (tăng 23%). Dù doanh thu hoạt động quý 1/2025 đạt 312,06 tỷ đồng, tăng 4,29% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty lại giảm 8,2%, còn 152,97 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán MBS cũng không nằm ngoài cuộc đua với tỷ lệ dư nợ margin lên tới 164% vốn chủ sở hữu, tương đương 7.179 tỷ đồng. Riêng quý 1, MBS đã cho vay margin tới 11.328 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm trước và cao hơn 9,1% so với cùng kỳ năm 2024.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÂN HÓA MẠNH
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, sự gia tăng cho vay ký quỹ không chỉ do nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân, mà còn từ hoạt động vay vốn của các cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp, trong bối cảnh kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự gia tăng mạnh mẽ của dư nợ margin phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư, khi kỳ vọng về việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng ngày càng rõ nét, cùng với tín hiệu khởi sắc trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể so với năm 2024, tạo thêm lực đẩy cho dòng tiền margin. Bên cạnh đó, nhiều công ty chứng khoán đã đẩy mạnh các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay nhằm thu hút và giữ chân khách hàng, góp phần làm dư nợ margin phình to.
Tuy nhiên, bức tranh tươi sáng này lại chủ yếu phản ánh tình hình trước thời điểm đầu tháng 4/2025 giai đoạn thị trường chứng kiến một đợt giải chấp ồ ạt dưới áp lực từ chính sách áp thuế của chính quyền Trump. Những cú bán tháo mạnh mẽ trong thời gian này đã khiến dư nợ margin nhiều khả năng sụt giảm đáng kể trong quý 2.
Với sự thay đổi đột ngột này, các doanh nghiệp dựa quá nhiều vào cho vay margin đang đối mặt với bất lợi lớn hơn so với phần còn lại của thị trường. Điều này sẽ sự phân hóa rõ nét trong nhóm ngành chứng khoán. Những doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ hoạt động tự doanh sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, vượt qua các mốc nền tảng lớn.
Trong khi đó, những công ty khác vốn phụ thuộc nặng nề vào cho vay margin sẽ gặp nhiều khó khăn. Khác biệt trong chiến lược và khả năng ứng biến đã tạo ra sự chia rẽ ngày càng sâu giữa các doanh nghiệp cùng ngành.
Mặc dù dư nợ margin được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, song cả các công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư đều cần duy trì sự thận trọng cao độ. Đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi, và trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, việc kiểm soát rủi ro sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn.
Thiên Ân
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/cong-ty-chung-khoan-nao-dang-cho-vay-margin-cao-nhat-post559622.html