Quý I/2025 tiếp tục là khoảng thời gian thất thu của các công ty chứng khoán (CTCK) trong mảng môi giới. Tổng doanh thu từ nghiệp vụ này tại các CTCK tiếp tục giảm quý thứ 3 liên tiếp (so với quý liền trước) xuống còn khoảng 2.700 tỷ đồng. Con số này giảm 7% so với quý cuối năm 2024 và là mức trong vòng 8 quý trở lại đây.
Môi giới chứng khoán thất thu
Doanh thu môi giới bị thu hẹp một phần đến từ việc ngày càng nhiều CTCK lao vào cuộc đua miễn, giảm phí để giành thị phần. Hầu hết CTCK đều đã ít nhiều giảm phí giao dịch để thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân khách hàng. Phần lớn các CTCK khác đang áp dụng mức phí khoảng 0,1-0,15% (đã bao gồm phí trả về Sở giao dịch chứng khoán). Một số thậm chí còn "chơi lớn" với chính sách “zero fee” trọn đời.
Xu hướng này thấy rõ trong quý đầu năm 2025 khi doanh thu môi giới giảm mạnh dù thanh khoản thị trường có xu hướng cải thiện. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm, sau khi chạm đáy 2 năm vào tháng 1. Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên HoSE trong quý đầu năm đạt hơn 14.300 tỷ/phiên, tăng khoảng 12% so với quý cuối năm 2024.
Một điểm đáng chú ý là doanh thu môi giới “teo tóp” trong bối cảnh dư nợ cho vay toàn thị trường tiếp tục tăng mạnh. Tính đến cuối quý I/2025, dư nợ cho vay tại các CTCK ước khoảng 280.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD), tăng 35.000 tỷ so với cuối năm 2024, và là mức kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Tính đến cuối quý I/2025, dư nợ cho vay tại các CTCK ước khoảng 280.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD), tăng 35.000 tỷ so với cuối năm 2024.
Hiểu đơn giản, lượng margin mà nhà đầu tư đang vay chiếm tới 4,8% vốn hóa của HoSE và HNX cộng lại tính tới cuối quý I/2025, trong khi vào cuối quý I/2024 chỉ là 3,7%. Tốc độ tăng trưởng margin đang nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng vốn hóa. Cụ thể, so với cuối năm 2024, vốn hóa của HoSE đã tăng 5% nhưng lượng margin đã tăng tới hơn 14%. Trong khi đó, điểm số VN-Index vẫn loanh quanh vùng 1.200 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ngày càng "bạo tay" hơn trong việc vay nợ để đầu tư.
“Nhà đầu tư đang sử dụng công cụ đòn bẩy (margin) tương đối lớn để đánh cược đà đi lên của thị trường chung, đồng thời cân lại với áp lực bán ròng triền miên của khối ngoại”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch CTCP 1IB nhận xét.
Mặt khác, margin tăng mạnh nhưng thanh khoản không tăng nhiều, doanh thu môi giới lại giảm, phần nào cho thấy một phần không nhỏ dư nợ đang không được dùng vào mục đích giao dịch. Nói cách khác, điều này đang phản ánh việc dư nợ cho vay được sử dụng như "shadow banking" chiếm tỷ trọng tương đối lớn.
Rủi ro cho thị trường chứng khoán?
Nhìn chung, ngoài nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân, dư nợ cho vay tại các CTCK còn đến từ hoạt động "vay deal" của các cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp nhằm huy động vốn khi kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thực tế, việc cầm cố cổ phiếu để vay vốn dễ dàng hơn nhiều so với thế chấp tài sản khác để vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Điều này đã thúc đẩy xu hướng “ngân hàng hóa” các CTCK, hay ở góc độ nào đó có thể coi là “shadow banking”.
Hiện tại, rất nhiều CTCK tại Việt Nam như TCBS, VPBankS, ACBS, MBS, CTS, BSC, HDBS, SBS... có cổ đông lớn, thậm chí nắm quyền chi phối là các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có động thái “bơm” vốn để gia tăng sở hữu tại các CTCK nhằm tối ưu hóa nguồn đầu ra này cho tăng trưởng tín dụng.
Những năm qua, xu hướng ngân hàng hóa ngày càng trở nên rõ rệt trong ngành chứng khoán. Lãi từ cho vay và phải thu trở thành nguồn thu lớn nhất trong cơ cấu hoạt động của nhiều CTCK. Quý I/2025, các CTCK thu về khoảng 6.500 tỷ đồng lãi từ cho vay và phải thu, tăng 5 quý liên tiếp (so với quý trước) và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trong bối cảnh mảng tự doanh biến động thất thường theo thị trường, môi giới khó bứt phá do cạnh tranh gay gắt, nghiệp vụ cho vay đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu.
Nhìn chung, việc sử dụng margin là một trong những công cụ đắc lực giúp nhà đầu tư gia tăng nhanh quy mô tài khoản của mình nếu sử dụng hợp lý, đẩy thanh khoản lên mức dồi dào và tạo động lực cho đà đi lên về điểm số của thị trường chung. Song, theo các chuyên gia, cần lưu ý margin tăng quá cao cũng có thể mang tới rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi diễn biến thị trường tài chính toàn cầu đang có nhiều biến số, tác động trực tiếp tới các TTCK khu vực, trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, margin vốn là một khoản vay mang tính chất ngắn hạn. Việc một phần dòng vốn này không chảy vào TTCK mà được sử dụng cho các mục đích khác, có tính dài hạn hơn sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Khi thị trường biến động mạnh theo chiều hướng không thuận lợi, thị trường thiếu dòng vốn đối ứng, tình trạng “force sell” chéo có thể làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Ông Bùi Văn Huy đánh giá, TTCK Việt Nam tỏ ra tương đối bị động trước những biến động toàn cầu, dẫn đến lượng hàng bị kẹp margin là không nhỏ. Hoạt động bán giải chấp cổ phiếu đã diễn ra trong nhịp giảm sâu vừa qua, tuy nhiên tình trạng margin vẫn chưa thực sự hết căng cứng. Rủi ro margin vẫn hiện hữu nếu kịch bản thị trường điều chỉnh diễn ra. Chỉ một nhịp giảm mạnh sẽ kéo theo hiện tượng "call margin", từ đó gây áp lực ngược trở lại và dễ khiến thị trường giảm sâu hơn.
Bên cạnh đó, dư nợ margin trên TTCK từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng. Đây được gọi là xu hướng “ngân hàng hóa” CTCK trong bối cảnh việc tiếp cận vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn hơn. Dư nợ cho vay tại CTCK khi ấy được sử dụng nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán. Theo chuyên gia, Việt Nam hiện là thị trường có tỷ lệ margin/vốn hóa cao nhất thế giới và cần có những định hướng rõ ràng hơn về hoạt động cho vay tại CTCK, tránh rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư khi gặp những cú sốc lớn.
Hải Giang