Nhóm cổ phiếu trụ sáng nay khá yếu.
Tuần này thị trường chỉ giao dịch 2 phiên và trong suốt 5 ngày sau đó, rủi ro thông tin bất lợi xuất hiện là có, nhất là trong bối cảnh câu chuyện thuế qua vẫn đang rất nóng. Nhà đầu tư không muốn “đặt cược” trong tình thế này và giảm cường độ giao dịch xuống rất thấp.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt khoảng 6.041 tỷ đồng, giảm 25% so với phiên trước và thấp nhất kể từ phiên ngày 10/4. Cũng phải nhắc lại rằng phiên giao dịch cực thấp ngày 10/4 là thời điểm thị trường đảo chiều tăng và không có ai bán ra.
Thanh khoản thấp trong sáng nay ở tình thế khác, dư mua dư bán còn rất nhiều nhưng kết quả khớp thành công lại rất nhỏ. Đó là do không nhiều nhà đầu tư sẵn lòng chấp nhận mức giá khớp được ngay. Tâm lý thụ động này phản ánh mức độ ngại rủi ro gia tăng, ở thời điểm hiện tại là rủi ro thông tin trong kỳ nghỉ dài.
VN-Index chỉ có vài phút đầu tiên là xanh, sau đó từ từ sụt giảm. Đáy thấp nhất của chỉ số lúc 11h02 giảm khoảng 0,54% (-6,7 điểm). Chốt phiên sáng chỉ số giảm 3,69 điểm (-0,3%). Độ rộng tại đáy ghi nhận 188 mã tăng/266 mã giảm, kết phiên là 204 mã tăng/254 mã giảm.
Như vậy dù điểm số đỏ, trạng thái giằng co vẫn là chủ đạo. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, có VHM giảm 1,61%, BID giảm 1,57%, CTG giảm 1,08%, HPG giảm 1,17%, FPT giảm 1,87%. Phía tăng chỉ có VCB tăng 0,7%, VIC tăng 0,45%, MBB tăng 0,21%. Sự thiên lệch rõ ràng về vốn hóa của nhóm giảm lý giải sức ép khiến VN-Index mất điểm. VN3-Index thậm chí giảm mạnh hơn nhiều so với VN-Index, mất 0,59% với 12 mã tăng/15 mã giảm. Các mã mạnh nhất trong rổ blue-chips này lại không phải là trụ: SSB tăng 3,04%, VRE tăng 1,32%, SAB tăng 1,41%.
Trạng thái giằng co trên thị trường không chỉ phản ánh ở độ rộng khá cân bằng mà còn ở tổng thể phân bổ dòng tiền. Nhóm giảm giá chiếm khoảng 49,8% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE trong khi nhóm tăng giá chiếm 43,3%. Ở các cổ phiếu có biên độ dao động giá mạnh nhất, dòng tiền cũng không quá chênh lệch: Trong 254 mã đỏ có 69 mã giảm quá 1%, tập trung 29,9% giá trị sàn. Trong 204 mã xanh có 70 mã tăng hơn 1%, tập trung 23,8%. Các thống kê này cho thấy về mặt xác suất rủi ro sụt giảm danh mục và tăng trưởng là khá tương đương, dĩ nhiên yếu tố đặc thù danh mục vẫn là quyết định.
Nhóm tăng giá nổi bật sáng nay không nhiều cổ phiếu thanh khoản lớn – điều này cũng phù hợp với tổng thể thanh khoản thị trường là nhỏ - và cũng dồn vào các cổ phiếu midcap cá biệt. HAG tăng 6,43% với 320,1 tỷ; CII tăng 3,52% với 127,2 tỷ; VRE tăng 1,32% với 100,5 tỷ; NVL tăng 3,23% với 98,9 tỷ; VTP tăng 4,31% với 84,3 tỷ là những mã nổi bật nhất.
Ở phía giảm quá 1%, 4 blue-chips gồm SHB, VHM, FPT và CTG là các cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản. Nhóm vừa và nhỏ cũng có nhiều mã đỏ nhưng cơ bản thanh khoản không lớn. TCH, GEX, BAF, VPI là những cổ phiếu hiếm hoi khớp quá được 50 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán sáng nay không cho thấy phản ứng đặc biệt nào khi vài ngày nữa hệ thống KRX sẽ đi vào hoạt động. Các cổ phiếu khỏe nhất lại là những mã nhỏ như WSS, ORS, BMS, VFS, EVS, HBS, ABW, AAS, FTS là những mã tăng hơn 1%. VCI, HCM, SSI tăng không đáng kể. Nhìn chung đây vẫn là hiện tượng phân hóa nhờ dòng tiền đầu cơ cụ thể hơn là phản ánh diễn biến kỳ vọng chung.
Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ra khá mạnh với mức ròng -346,4 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên trên thực tế khối này đã giảm bán. Cụ thể, tổng quy mô bán ra sáng nay là 977,4 tỷ đồng, giảm 28% so với phiên sáng thứ Sáu tuần trước. Giao dịch bán ròng lớn cũng chỉ tập trung vào vài mã là VHM -115 tỷ, FPT -62,2 tỷ, GEX -56,5 tỷ, MWG -50,5 tỷ, BID -31,9 tỷ, VNM -24,5 tỷ, TCH -22,8 tỷ. Phía mua ròng cũng chỉ có MBB +27,8 tỷ, SAB +27,3 tỷ, HDB +23,5 tỷ là đáng kể.
Kim Phong