Tập đoàn Trump Media & Technology đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho một nền tảng mới liên quan tiền điện tử. Ảnh: Shutterstock.
Tuần trước, Tập đoàn Trump Media & Technology đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho TruthFi, theo CNN. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu không cung cấp các thông tin cụ thể, nhưng liệt kê nhiều ứng dụng tiềm năng của TruthFi, bao gồm dịch vụ xử lý thanh toán qua thẻ, quản lý tài sản, dịch vụ lưu ký và giao dịch tài sản kỹ thuật số.
Hiện chưa rõ Trump Media đã tiến xa đến đâu trong dịch vụ thanh toán bằng tiền điện tử, hay liệu TruthFi có được ra mắt hay không. Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang tiền điện tử có thể là một cách để Trump Media đa dạng hóa ngoài lĩnh vực mạng xã hội.
Tập đoàn truyền thông của ông Trump đã từ chối trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
CNN cho rằng việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này làm nổi bật những vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích phát sinh từ chiến thắng bầu cử của ông Trump và đế chế kinh doanh rộng lớn của ông.
Các doanh nghiệp do ông Trump và gia đình sở hữu có thể hưởng lợi từ các quyết định mà chính quyền của ông đưa ra, bao gồm các quy định liên bang.
Richard Painter, luật sư đạo đức hàng đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là Giáo sư Luật tại Đại học Minnesota đánh giá: "Đây không phải vấn đề riêng của ông Trump mà là một vấn đề lớn với bất kỳ chính trị gia nào".
Ông cũng chỉ trích việc Quốc hội Mỹ trì hoãn thông qua các quy định với tiền điện tử, trong khi một số thành viên giao dịch tiền số và nhận tài trợ từ ngành này.
Ông Painter nhấn mạnh rằng dù luật xung đột lợi ích không áp dụng với tổng thống, phó tổng thống hay quốc hội, tuy vậy, ông Trump nên thoái vốn khỏi các tài sản kinh doanh như Tập đoàn Trump hay Truth Social và tiền điện tử để tránh xung đột với nhiệm vụ công.
Tin tức về nhãn hiệu mới xuất hiện chỉ vài tuần sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua tranh cử. Chiến thắng này được thúc đẩy một phần bởi sự ủng hộ mạnh mẽ từ ngành tiền điện tử, vốn đang tìm kiếm sự điều chỉnh thân thiện hơn từ Washington.
Trước đó, ông Trump từng chỉ trích Bitcoin nhưng sau đó đã quay sang ủng hộ. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết biến Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của thế giới" và thiết lập quỹ dự trữ tiền điện tử quốc gia.
Vì vậy, ông Trump được kỳ vọng sẽ bổ nhiệm các nhà quản lý thân thiện với tiền điện tử, các bước đi có thể giúp công ty mà ông nắm cổ phần lớn hưởng lợi sau khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1 năm sau.
Ông Trump cũng đã cam kết thay thế một trong những "kẻ thù lớn nhất" của ngành tiền điện tử là Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Gensler đã thông báo sẽ từ chức vào ngày 20/1, khi ông Trump nhậm chức. Các nhà phân tích dự đoán tân Tổng thống sẽ chọn một chủ tịch SEC ủng hộ tiền điện tử.
Đơn đăng ký nhãn hiệu cho dịch vụ thanh toán tiền điện tử xuất hiện vài ngày sau khi Financial Times đưa tin Trump Media đang trong giai đoạn đàm phán nâng cao để mua lại nền tảng giao dịch tiền điện tử Bakkt. Thông tin này đẩy cổ phiếu của Bakkt tăng vọt hơn 160%.
Trong tuyên bố hôm thứ 19/11, Bakkt nói họ biết đến các tin đồn xuất hiện trên truyền thông về một thương vụ tiềm năng, nhưng công ty không bình luận về tin đồn hay suy đoán trên thị trường.
Ngoài kế hoạch thâm nhập lĩnh vực thanh toán tiền điện tử, ông Trump còn có nhiều dự án tiền điện tử khác, bao gồm một doanh nghiệp được thành lập vào tháng 9 mang tên World Liberty Financial.
Đầu tuần này, ông Trump đã chọn Howard Lutnick, CEO của Cantor Fitzgerald, làm người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ. Lutnick là một người ủng hộ nổi bật của Tether, dù công ty tiền điện tử này đang đối mặt với các lo ngại từ nhà đầu tư.
Với nhiều động thái mới, ông Trump được cho là đang xây dựng một hệ sinh thái tiền điện tử mạnh mẽ, vừa tận dụng tiềm năng kinh doanh vừa hỗ trợ chính sách tiền điện tử quốc gia.
Phương Linh