Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn: Đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm nhựa thông

Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn: Đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm nhựa thông
3 giờ trướcBài gốc
Thông là một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Lộc Bình. Hiện nay, diện tích cây thông toàn huyện đạt trên 43.000 ha, chiếm trên 65% tổng diện tích đất có rừng của huyện, tập trung tại các xã: Tam Gia, Ái Quốc, Yên Khoái… Sản lượng nhựa thông khai thác trung bình đạt 20.000 tấn/năm.
Công nhân Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn sản xuất sản phẩm tinh dầu thông
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn cho biết: Nhận thấy Lộc Bình là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh với vùng trồng thông có diện tích cho thu hoạch nhựa lớn, tháng 3/2014, công ty đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất colophan và tinh dầu thông tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình với diện tích trên 6.000 m2, tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất colophan và tinh dầu thông, công ty đã thu mua nhựa thông của người dân tại một số xã trồng thông của huyện Lộc Bình và các huyện Đình Lập, Cao Lộc…
Chị Trịnh Thu Uyên, thôn Co Piao, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình tôi hiện có khoảng 4 ha diện tích thông cho khai thác. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch được gần 9 tấn nhựa thông. Trước đây, sau thu hoạch gia đình tôi cũng như các hộ dân trong vùng đều bán cho tư thương để xuất khẩu sản phẩm thô sang Trung Quốc nên giá cả không ổn định. Từ khi trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến nhựa thông, bà con có đầu ra cho sản phẩm ổn định, từ đó yên tâm sản xuất. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi thu mua nhựa thông của bà con và bán lại cho Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn làm nguyên liệu sản xuất colophan và tinh dầu thông xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, tôi thu mua trên 1.000 tấn nhựa thông của người dân. Hiện nhựa thông đang được thu mua với giá dao động từ 33 đến 36 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng. Nhờ phát triển trồng thông, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/năm.
Được biết, để đảm bảo sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước, từ năm 2014, Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn đã đầu tư dây chuyền công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất colophan và tinh dầu thông hiện đại với mục tiêu cung cấp ra thị trường 9.000 tấn sản phẩm các loại mỗi năm. Do sự cố hỏa hoạn xảy ra năm 2022 gây thiệt hại về máy móc, cuối tháng 12/2022, công ty đã đầu tư mua dây chuyền sản xuất mới với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ đồng. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, hằng năm, công ty đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức sử dụng máy móc... cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp.
Với hệ thống máy móc hiện đại, năm 2023 công ty thu mua trên 10.000 tấn nhựa thông của người dân. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã thu mua trên 7.000 tấn nhựa thông để sản xuất colophan và tinh dầu thông. Sản lượng colophan và tinh dầu thông cung cấp ra thị trường của công ty đạt khoảng 8.000 tấn/năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã sản xuất, xuất ra thị trường được trên 5.000 tấn colophan, tinh dầu thông.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty hiện nay chủ yếu được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản… Nhờ hoạt động hiệu quả, năm 2023, doanh thu của công ty đạt 452 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay công ty còn tạo việc làm cho 50 lao động địa phương với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian qua, Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn đã liên kết thu mua nhựa thông của người dân với số lượng lớn và giá cả ổn định. Đây là một trong những doanh nghiệp điển hình trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến sâu sản phẩm nhựa thông. Qua đó, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp trên địa bàn, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục quan tâm, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh về vốn vay cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến tiêu thụ, kết nối, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Với việc đầu tư công nghệ chế biến sâu của Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn, sản phẩm nhựa thông của người dân sau thu hoạch đã có đầu ra ổn định. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người trồng thông trên địa bàn.
Liễu Chang - Kim Chi
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/cong-ty-tnhh-long-tan-lang-son-dau-tu-che-bien-sau-nang-cao-gia-tri-san-pham-nhua-thong-5024721.html