Công viên Thống Nhất trải dài giữa 4 phố thuộc quận Hai Bà Trưng: Phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Thảm xanh tái tạo không khí cho người dân giữa phồn hoa phố thị này có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt phố Trần Nhân Tông.
Lạc vào công viên hôm nay, ta như thấy thời gian chậm lại nhiều nhịp với đâu đó những pho tượng mộc mạc được sơn trắng ngần màu thạch cao, những hình ảnh em bé học bài với mái tóc đuôi gà. Có những bức tượng chị em ngồi đọc sách bên nhau đã cũ mòn theo tháng năm và thời gian ước tính có khi đến nửa thế kỷ…
Đặc biệt, trong một góc đẹp của công viên còn sót lại một chiếc ghế bằng bê tông xi măng cát sỏi. Chiếc ghế được làm thủ công bằng những bàn tay của người thợ từ hơn nửa thế kỷ trước. Ghế uốn lượn với những đường cong nhìn có vẻ thô mộc nhưng rất chắc chắn và đặc biệt khi ngồi vào ghế cảm giác rất thoải mái, rộng dãi.
Thời gian ở đây như lắng đọng lại, không khí ở đây như tinh khôi hơn, những tán lá cây mướt xanh phủ rợp lối đi, những bước chân qua đây cũng nhè nhẹ thong dong hơn với một không gian đậm chất hoài cổ hằn sâu trong ký ức của nhiều thế hệ người dân thành phố.
Đến công viên Thống Nhất không chỉ là để hít hà luồng khí gió tươi mới sau những mệt nhọc ngược xuôi của một ngày, đến đây còn để nhận lại một chút ký ức xưa cũ chưa phai mờ theo thời gian mà chỉ nơi đây vẫn còn lưu giữ.
Năm 1961, khi đất nước vẫn đang còn chia hai miền Nam Bắc, với khát khao sớm được giải phóng miền Nam để thống nhất nước nhà, nên nhiều tầng lớp người dân Hà Nội đã chung sức, tự nguyện tham gia lao động, cùng xây dựng công viên Thống Nhất với cái tên mang nhiều khát vọng...
Với diện tích rộng khoảng 50 ha, bao trọn hồ bảy mẫu rộng 25 ha, công viên như một viên ngọc bích chứa đựng nguồn sinh khí vô cùng quan trọng của thành phố, là điểm đến để dưỡng tâm với một không gian không chỉ là cảnh quan tươi đẹp có phần hoài niệm mà còn là một đánh dấu một thời kỳ lịch sử với bao ước mong non sông đất nước gấm hoa được vẹn toàn thống nhất.
Năm 2025 kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất như chính cái tên có từ nỗi niềm mong ước khi đặt tên Thống Nhất cho công viên
Công viên Thống Nhất có hàng vạn loài cây xanh, đẹp mơ màng như một khu rừng thu nhỏ.
Công viên Thống Nhất nhìn từ trên cao góc ngã tư phố Lê Duẩn và Đại Cồ Việt, Hà Nội
Những bức tượng đã cũ theo tháng năm nhưng ẩn chứa bao ước mơ của một thời
Chiếc ghế đá “huyền thoại” này là điểm thu hút đặc biệt của du khách mỗi khi đặt chân đến công viên, đặc biệt là du khách quốc tế
Những con đường uốn quanh ôm lấy hàng cây cổ thụ trong công viên
Công viên có bầu không khí mát lành, yên tĩnh, là nơi thư giãn lý tưởng
Công viên có hàng vạn cây xanh biến đổi màu sắc theo mùa rất quyến rũ
Đường ray bao quanh công viên cho trẻ em tham quan với giá vé rẻ, đây là đường tàu duy nhất có trong công viên
Du khách quốc tế vô cùng thích thú với khuôn viên cảnh quan còn mộc mạc nơi này.
Chiếc ghế đá còn lại có tuổi đời trên nửa thế kỷ.
Cây đa do chính tay Bác Hồ trồng năm Canh Tý 1960, nhân dịp Người phát động Tết trồng cây lần đầu tiên.
Những bức tượng thô mộc nhưng chất chứa bao ước mong của một thời, vẫn còn hiển hiện tại công viên đầy ký ức.
Những khu nghỉ ngơi trong công viên mùa cây thay lá
Đường tàu điện nhỏ chạy quanh công viên len lỏi trong những hàng cây như những khu rừng nhỏ
Vào hạ, công viên luôn mát xanh và là điểm đến của du khách
Công viên có hai hòn đảo nhỏ: Đảo Hòa Bình và đảo Thống Nhất
Một góc công viên với thảm cỏ xanh mát tầm mắt
Trên đảo nhỏ Hòa Bình buổi sớm mai bình minh
Chùm ảnh: An Thành Đạt/ Báo Tin tức và Dân tộc