Công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: UNEP
LHQ cho biết trong “Ngày số hóa” lần đầu tiên được tổ chức tại một hội nghị khí hậu toàn cầu, “Tuyên bố COP29 về Hành động số xanh” đã nhận được sự ủng hộ từ đại diện của hơn 1.000 chính phủ, công ty, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức quốc tế và khu vực, cùng các bên liên quan khác.
Ưu - nhược điểm
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của LHQ - đơn vị tổ chức các sự kiện tập trung vào kỹ thuật số tại COP29, công nghệ số có thể là công cụ chính để đẩy nhanh việc đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát khí hậu, hệ thống cảnh báo sớm, cũng trong các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nói chung.
Thật vậy, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) có thể đóng vai trò trung tâm trong việc tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng của thế giới trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Ví dụ, bằng cách khai thác các thuật toán AI, các trung tâm dữ liệu có thể tối ưu hóa hiệu quả năng lượng, hợp lý hóa hoạt động và giảm lượng khí thải carbon.
Tuy nhiên, khi việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng, thì lượng nước và năng lượng được sử dụng, cũng như lượng rác thải điện tử được tạo ra, cũng tăng theo.
Thực tế, mức độ số hóa ngày càng tăng sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng hơn, từ đó làm tăng lượng khí thải nhà kính. Các chương trình AI cần máy chủ chạy suốt ngày đêm. Các máy chủ này và các trung tâm dữ liệu đặt máy chủ sử dụng rất nhiều điện. Ngoài ra, cũng cần thêm nhiều năng lượng nữa để làm mát các trung tâm dữ liệu này. Đây là những vấn đề vừa được thảo luận trong một cuộc họp bàn tròn cấp cao của COP29 về số hóa để hành động vì khí hậu.
Mở khóa công nghệ số để hành động vì khí hậu
“Tuyên bố COP29 về Hành động số xanh” thừa nhận tầm quan trọng của công nghệ số trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các mục tiêu trong tuyên bố nhấn mạnh cách thức mà các sáng kiến kỹ thuật số có thể giúp làm giảm phát thải khí nhà kính và cung cấp các công cụ quan trọng để thông tin và cảnh báo cho cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin khẳng định Tuyên bố về Hành động số xanh tại COP29 sẽ thúc đẩy thế giới tiến lên với niềm tin chung rằng “chúng ta có thể và phải giảm dấu chân môi trường của các công nghệ số trong khi tận dụng tiềm năng không thể phủ nhận của chúng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”. Bà Doreen cũng nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng động lực số xanh cho đến COP30, và hướng tới một tương lai số bền vững hơn cho các thế hệ mai sau.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)