Dù vậy, điều đáng mừng là không có ca tử vong nào được ghi nhận. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát, song cũng là lời nhắc nhở rằng Covid-19 vẫn hiện diện và cần được theo dõi chặt chẽ.
Covid-19 đang âm thầm quay lại.
Bộ Y tế cho biết tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng đang có chiều hướng phức tạp trở lại tại một số nước như Brazil, Anh, Thái Lan... Tại Việt Nam, các cơ sở y tế đã được chỉ đạo tăng cường giám sát dịch, đặc biệt là trong cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Hệ thống điều trị tiếp tục duy trì trạng thái sẵn sàng, đặc biệt chú trọng đến nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai.
Theo PGS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), Bộ Y tế), hiện nay, Covid-19 đã được xếp vào nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tức là cùng nhóm với các bệnh truyền nhiễm lưu hành như cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Việc chuyển Covid-19 từ nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B là căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, mức độ lây lan, độc lực của virus và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Điều này đồng nghĩa với việc cách thức ứng phó với dịch bệnh cũng thay đổi theo hướng phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, dù Covid-19 không còn là bệnh bắt buộc cách ly y tế tập trung như trước, người mắc vẫn được khuyến cáo tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.
Trong thời gian này, người bệnh nên đeo khẩu trang thường xuyên, nhất là khi tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách; hạn chế tối đa tiếp xúc, đặc biệt với người cao tuổi, người có bệnh nền - những đối tượng dễ bị tổn thương nếu nhiễm virus. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh không gian sống và khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc để ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Đối với người chăm sóc bệnh nhân, việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tránh tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài cũng là những biện pháp cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm. Các cơ sở y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, đảm bảo không bị động nếu số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại.
Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo với người dân: tiếp tục đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, rửa tay thường xuyên, tăng cường vận động thể chất và ăn uống hợp lý để nâng cao sức đề kháng.
Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, khó thở, người dân cần chủ động đến cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời. Những người từng đến hoặc trở về từ các khu vực đang có dịch cũng cần tự theo dõi sức khỏe trong ít nhất 7-10 ngày.
Hiện Bộ Y tế vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu, đồng thời cập nhật các khuyến nghị mới nhất để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch trong nước. Dù Covid-19 đã chuyển sang nhóm bệnh lưu hành, việc chủ động phòng ngừa và không chủ quan trước nguy cơ dịch quay trở lại vẫn là điều hết sức cần thiết.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong vòng một tháng qua, thành phố đã ghi nhận 40 ca mắc Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện, nâng tổng số ca từ đầu năm 2025 đến nay lên 51. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca này giảm 83%, tuy nhiên xu hướng tăng nhẹ trong những tuần gần đây là điều đáng lưu ý, nhất là sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với mật độ giao lưu, di chuyển cao.
Trên cả nước, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận 150 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, thực tế có thể cao hơn do nhiều người dân có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, tự mua thuốc điều trị tại nhà và không khai báo y tế. Hiện nay, trung bình mỗi tuần cả nước ghi nhận khoảng 20 ca mắc mới.
Từ tháng 5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, kể từ ngày 20/10/2023, Bộ Y tế đã chuyển Covid-19 từ nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm (nhóm A) sang nhóm B. Điều này cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn, miễn dịch cộng đồng hình thành rộng rãi, song không đồng nghĩa với việc có thể lơ là phòng dịch.
Theo BSCKI Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phần lớn các ca mắc Covid-19 hiện nay đều có triệu chứng nhẹ, diễn tiến tương tự cúm mùa với sốt nhẹ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ rệt nên dễ làm lây lan âm thầm trong cộng đồng. “Hiện rất khó phân biệt Covid-19 và cúm mùa chỉ bằng biểu hiện bên ngoài. Trong khi cúm thường khởi phát rầm rộ, Covid-19 lại có thể âm thầm và kéo dài. Xét nghiệm là công cụ duy nhất để xác định chính xác,” bác sỹ Thiệu cho biết.
Để phòng chống lây lan dịch bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang tại nơi đông người, rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, giữ vệ sinh không gian sống. Ngoài ra, việc xây dựng một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng đủ chất, ngủ đủ giấc, tập luyện đều đặn là những “liều vaccine tự nhiên” giúp tăng cường sức đề kháng.
Trong trường hợp có biểu hiện như sốt, ho, khó thở, đau đầu, đau họng…, người dân nên chủ động cách ly, hạn chế tiếp xúc và đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. “Chúng ta không cần hoang mang trước các ca mắc mới, nhưng cần bình tĩnh, chủ động phòng ngừa. Đôi khi chỉ một chiếc khẩu trang, một lần rửa tay đúng cách cũng có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng,” bác sỹ Thiệu nhấn mạnh.
Còn theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, hiện Covid-19 được xem như một bệnh cúm mùa thông thường.
Tuy nhiên, với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, cần đặc biệt chú ý bảo vệ. “Người dân không nên hoảng loạn trước tình trạng ca bệnh tăng tại một số quốc gia. Điều đáng lo hiện nay là dịch sốt xuất huyết -vốn có nguy cơ bùng phát mạnh trong mùa mưa sắp tới,” ông nói.
Để chủ động ứng phó với dịch Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị, đặc biệt cho các nhóm có nguy cơ cao. Người dân cần tuân thủ khuyến cáo: đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên, theo dõi sức khỏe sau khi đi về từ khu vực có dịch.
Dù không còn là đại dịch toàn cầu, Covid-19 vẫn chưa rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Trong lúc tưởng chừng "bình yên", virus vẫn lặng lẽ tồn tại và chờ cơ hội quay trở lại. Chính vì thế, mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và người có bệnh nền - những đối tượng dễ tổn thương nhất.
D.Ngân