Ngày 21-5, Trung tâm Y tế TP Bà Rịa (Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay đã ban hành kế hoạch xử lý liên quan đến 3 ca mắc COVID-19 tại phường Long Tâm. Ba ca bệnh này là các học sinh lớp 12 ở một trường THPT trên địa bàn TP Bà Rịa và là những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại cơ sở giáo dục trong đợt dịch mới.
Xuất hiện ở 27 tỉnh, thành
Các hoạt động xử lý được triển khai tại trường học và 3 hộ gia đình có liên quan tại xã Long Phước, xã Hòa Long và phường Phước Nguyên (TP Bà Rịa). Lực lượng y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ tại trường học và các hộ gia đình. Kết quả ban đầu cho thấy chưa có ca mắc mới ngoài 3 trường hợp kể trên. Tuy nhiên, công tác rà soát các đối tượng có nguy cơ vẫn đang được tiếp tục nhằm khoanh vùng và khống chế triệt để. Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế và địa phương chủ động tăng cường phòng, chống dịch COVID-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao giám sát, phối hợp với Viện Pasteur TP HCM đánh giá nguy cơ dịch và triển khai biện pháp phù hợp.
Tại Hà Nội, suốt một tuần qua, con trai 16 tuổi của chị Vũ Thanh Hương phải nghỉ học vì mắc COVID-19. Ban đầu, cháu chỉ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, ho khan, sổ mũi. Vài ngày sau, các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn với đau nhức toàn thân, sốt cao và mất hoàn toàn vị giác, khứu giác. Nghĩ con chỉ bị viêm họng, chị Hương tự cho con uống thuốc tại nhà nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó, chị mua test nhanh COVID-19 để kiểm tra thì bất ngờ nhận được kết quả dương tính. Vài ngày gần đây, chị Hương cũng bị lây bệnh từ con với các triệu chứng đau đầu, đau người, đau rát họng, nghẹt mũi và cảm giác ớn lạnh, nhất là vào chiều tối.
Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) từ đầu tháng 5 đến nay tiếp nhận 12 bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện có 6 trường hợp đang điều trị nội trú, một số ca mắc là trẻ nhỏ. Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều, nôn ói hoặc tiêu chảy. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết thành phố ghi nhận 23 trường hợp mắc COVID-19 trong tuần qua, cao gấp rưỡi so với số ca tính từ đầu năm tới nay.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: LAM GIANG
Tại TP HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang điều trị khoảng 10 bệnh nhân mắc COVID-19. BS.CK2 Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc bệnh viện, cho hay các bệnh nhân nhập viện hầu hết đều có bệnh lý nền kèm theo những triệu chứng hô hấp nhẹ như ho, sổ mũi, mệt mỏi. Không có trường hợp nào phải hỗ trợ thở hô hấp. "Bệnh viện đã chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng như lập kế hoạch mua bổ sung thuốc điều trị COVID-19 (Molnupiravir, Paxlovid…); tập huấn lại cho nhân viên y tế về phác đồ điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn; chuẩn bị nhân lực, thiết bị, khu điều trị sẵn sàng" - BS Phong thông tin.
Cũng trong ngày 21-5, Sở Y tế TP HCM phát văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị y tế chủ động triển khai những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo Sở Y tế, biến thể Omicron XEC hiện được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm nguy cơ thấp nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ. Sở Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát dịch tễ, các bệnh viện cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị, bảo đảm đủ thuốc, vật tư và tập huấn lại phác đồ điều trị...
Theo Bộ Y tế, đến nay, nước ta đã có 27 tỉnh, thành ghi nhận có bệnh COVID-19. Trung bình 3 tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 20 ca mắc mới.
Nhóm đối tượng cần cảnh giác
Các bác sĩ khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ cao như: mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… cần đặc biệt thận trọng. "Những đối tượng này nếu nhiễm COVID-19 thì diễn tiến bệnh có thể nặng lên. Do đó cần đi khám sớm nếu có triệu chứng về hô hấp. Từ trước đến nay, bệnh viện luôn có khu riêng để điều trị bệnh lý hô hấp. Nay COVID-19 là bệnh nhóm B nên không yêu cầu cách ly đặc biệt như giai đoạn dịch bùng phát" - BS Phong nhấn mạnh.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết trẻ em mắc COVID-19 vẫn được điều trị như những bệnh lý hô hấp thông thường, không có chuyện phải cách ly riêng biệt hay chuyển đến khu thu dung như giai đoạn 2021 - 2022. Bệnh viện thỉnh thoảng vẫn có ca bệnh COVID-19 nhưng đa số là phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm vì lý do khác.
Theo TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM, hiện nay virus SARS-CoV-2 chủ yếu vẫn thuộc biến chủng Omicron, đa số người nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ và hồi phục sau vài ngày. Bệnh này hiện được xếp vào nhóm B - nhóm bệnh truyền nhiễm có kiểm soát. Với người trẻ khỏe, không có bệnh nền, triệu chứng thường chỉ thoáng qua trong 5-7 ngày. Tuy nhiên, nhóm đối tượng nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nếu nhiễm COVID-19, đặc biệt khi đồng nhiễm thêm virus khác như cúm hoặc vi khuẩn phế cầu.
Hiện nay, các cơ sở y tế đã có kinh nghiệm và đầy đủ phương tiện để điều trị COVID-19 cả nội trú và ngoại trú. Việc tiêm vắc-xin COVID-19 không cần đại trà như trước, song các đối tượng chưa tiêm đủ liều, người cao tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch có thể tiêm bổ sung. "Mọi người không nên quá lo lắng. Đây chỉ là những đợt gia tăng số ca bệnh theo chu kỳ thời tiết, chứ chưa có dấu hiệu gì cho thấy một biến chủng nguy hiểm đang xuất hiện. Miễn dịch cộng đồng đã khá tốt, hệ thống y tế đủ khả năng đáp ứng. Điều quan trọng là mỗi người cần hiểu đúng, không để thông tin làm mình hoang mang" - BS Ngọc nhấn mạnh.
Đề phòng diễn biến bất ngờ
Bộ Y tế khẳng định chưa xuất hiện ổ dịch tập trung. Tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng nhẹ, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đã yêu cầu các địa phương và cơ sở y tế tăng cường giám sát dịch, triển khai các biện pháp phòng chống tại cộng đồng và bệnh viện; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao.
TS-BS Trần Văn Ngọc cho rằng việc Bộ Y tế ra công văn gần đây không có nghĩa là dịch đang nguy hiểm trở lại hay sắp có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như trong giai đoạn cao điểm. "Không có chuyện cách ly tập trung, không có chuyện đưa F1, F2 vào khu thu dung hay chọc mũi xét nghiệm đại trà như trước. Thực tế, đây chỉ là khuyến cáo cho bệnh viện chuẩn bị tiếp nhận và phân luồng bệnh nhân để tránh lây chéo trong cơ sở y tế" - BS Ngọc nhấn mạnh.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết COVID-19 hiện là bệnh lưu hành, được phân loại nhóm truyền nhiễm B. Dịch sẽ không biến mất hoàn toàn mà có thể xuất hiện theo chu kỳ, tương tự cúm, với số ca tăng giảm tùy thời điểm. Người dân không nên quá lo lắng trước các ca mắc hiện nay. COVID-19 vẫn tồn tại trong cộng đồng ở mức rải rác, chủ yếu do biến thể nhẹ của Omicron. Hiện COVID-19 được xử lý tương tự cúm mùa trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm. Người dân không nên chủ quan nhưng cũng không cần hoảng loạn. "Chúng ta không thể loại trừ khả năng COVID-19 có thể có diễn biến bất ngờ. Vì vậy, các cơ sở y tế cần chủ động phương án, bảo đảm đủ giường bệnh, khu cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo và không để tái diễn hậu quả nặng nề như giai đoạn trước" - ông Phu nhấn mạnh.
Không nên tự mua thuốc điều trị
Theo ghi nhận, "chợ thuốc" online bắt đầu nhộn nhịp hơn. Đáng lo ngại là đa số mọi người chỉ quan tâm giá thành, phớt lờ những an toàn về kiểm định y tế, chất lượng sản phẩm. Một người bán hàng trên "chợ thuốc" cho biết hiện có 2 loại kit test "3 trong 1" và "5 trong 1". Nếu mua số lượng lớn, từ 100 kit test trở lên, sẽ nhận được ưu đãi. Loại "3 trong 1" có giá khoảng 24.000 đồng/kit, loại "5 trong 1" khoảng 35.000 đồng/kit. Khi hỏi về giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, người này ngập ngừng nói sản phẩm nhập từ Trung Quốc và chưa cung cấp rõ giấy tờ. Ngoài mua kit test COVID-19, nhiều người còn tìm mua thuốc điều trị COVID-19 (Tamiflu, Molnupiravir...), khẩu trang, cồn sát khuẩn, viên xông, vitamin C... để dự phòng trước.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nhấn mạnh ngành y tế đã chủ động theo dõi và ứng phó, người dân đã có miễn dịch cộng đồng, vì vậy không nên quá lo lắng, cũng không cần mua thuốc để tích trữ.
H.Xuân
Số ca mắc COVID-19 ở châu Á gia tăng
Trong tuần qua, tại Thái Lan, 43.213 bệnh nhân nhập viện được ghi nhận mắc COVID-19, tăng 35,5% so với tuần trước đó. Bộ Y tế Thái Lan cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến thể XEC của COVID-19, vốn đang lây lan nhanh gấp 7 lần so với cúm thông thường. Theo tờ Bangkok Post, đến nay đã có khoảng 108.891 trường hợp mắc XEC được ghi nhận, trong đó 27 trường hợp tử vong. Chính quyền thủ đô Bangkok kêu gọi theo dõi chặt chẽ ổ dịch lây nhiễm trong các trường học.
Theo Bộ Y tế Singapore, ước tính số ca mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 27-4 đến 3-5 đã lên 14.200 ca so với 11.100 ca trong tuần trước đó. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), số ca mắc COVID-19 đã tăng từ 6,21% lên 13,66% chỉ trong vòng 4 tuần. Mặc dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ vẫn thấp so với các đợt trước nhưng các thành phố như Mumbai, Chennai và Ahmedabad đã ghi nhận sự gia tăng đáng chú ý. Theo Hãng Thông tấn Press Trust of India (Ấn Độ), Ấn Độ hiện có 257 ca mắc COVID-19 và đang theo dõi tình hình sát sao.
Tại Ấn Độ, hầu hết các ca bệnh đều nhẹ và chưa ghi nhận tử vong hay ca nặng liên quan đợt lây lan gần đây. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân - đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền - nên áp dụng lại các biện pháp phòng ngừa cơ bản như mang khẩu trang ở không gian kín và rửa tay thường xuyên. Bác sĩ cũng khuyến nghị tiêm vắc-xin cúm để giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các ca đồng nhiễm.
Bộ Y tế Indonesia kêu gọi người dân duy trì cảnh giác. Indonesia cũng tăng cường giám sát tại các điểm nhập cảnh quốc tế và khuyến cáo người dân thận trọng, đặc biệt là khi đến các quốc gia có số ca bệnh gia tăng.
X.Mai
NGỌC DUNG - HẢI YẾN - NGỌC GIANG