COVID-19 quay trở lại: Ai cần điều trị tại bệnh viện nếu mắc virus?

COVID-19 quay trở lại: Ai cần điều trị tại bệnh viện nếu mắc virus?
6 giờ trướcBài gốc
Bác sỹ khám cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Theo Bộ Y tế, gần đây, dịch bệnh COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn của các biến thể COVID-19 trong đợt này, không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Trong nước, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố; không có ca tử vong.
Bộ Y tế khẳng định hiện không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình ghi nhận 20 ca mắc/tuần.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ tuần 15 (giữa tháng 4/2025) đến nay, số ca mắc COVID-19 hằng tuần có dấu hiệu tăng rõ rệt.
Vậy, khi COVID-19 đang quay trở lại, những ai dễ mắc phải? Cần làm gì để phòng tránh?
Nhóm người dễ mắc COVID-19?
Trong bối cảnh COVID-19 đang quay trở lại, một số nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ cao nếu nhiễm bệnh, cần được điều trị tại bệnh viện:
- Người từ 65 tuổi trở lên.
- Những người có các vấn đề sức khỏe nhất định, bao gồm hệ miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh về thần kinh như đột quỵ hoặc chứng sa sút trí tuệ.
- Những người có bệnh lý về phổi mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Người mắc bệnh tim.
- Bệnh nhân tiểu đường.
- Người bị bệnh thận mạn tính.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người thừa cân hoặc béo phì.
Ở đâu có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao?
Bệnh COVID-19 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (chủ yếu qua giọt bắn) và qua bàn tay tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
Bệnh cũng có khả năng lây truyền qua hạt khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị.
Những nơi có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn như bệnh viện và các cơ sở y tế khác; trung tâm chăm sóc người cao tuổi; các cơ sở hỗ trợ người khuyết tật.
Bác sỹ khám cho bệnh nhi mắc COVID-19 đang điều trị bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cần làm gì nếu mắc COVID-19?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát, phòng chống COVID-19 khi bệnh thuộc nhóm B, đối với ca bệnh xác định, việc thu dung, quản lý điều trị, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Người mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc có biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan và tử vong.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú cần làm những việc sau:
- Đeo khẩu trang.
- Khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú, cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa… hàng ngày và khi dây bẩn; giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.
Bác sỹ khám cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cách phòng chống COVID-19
Để tăng cường chủ động trong việc phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế khuyến khích người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
- Thực hiện việc đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế.
- Hạn chế tham gia các hoạt động đông người trừ khi thực sự cần thiết.
- Duy trì thói quen rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn phù hợp.
- Tăng cường vận động, chăm sóc sức khỏe thông qua rèn luyện thể lực và áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học.
- Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở, cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, theo dõi và xử lý kịp thời.
- Ngoài ra, những người trở về từ các quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao cần chủ động giám sát tình trạng sức khỏe nhằm bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/covid-19-quay-tro-lai-ai-can-dieu-tri-tai-benh-vien-neu-mac-virus-post1040615.vnp