Amara là một phụ nữ trẻ đến từ Đông Nam Á, cô đã mất kế sinh nhai sau một cơn bão lớn gây ảnh hưởng đến cộng đồng nơi cô sinh sống. Vì quá tuyệt vọng để kiếm kế sinh nhai, cô đã tìm kiếm công việc trên mạng xã hội, nơi những kẻ buôn người đóng giả làm người tuyển dụng, hứa hẹn cho cô một việc làm nhanh chóng ở nước ngoài.
Gia đình Amara sau đó phải đối mặt với tình trạng tống tiền, gian lận danh tính và đe dọa về thể xác. Với sự giúp đỡ của mạng lưới hỗ trợ địa phương, cô đã may mắn trốn thoát và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống.
Câu chuyện của Amara càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên không gian kỹ thuật, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng.
Vào Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hôm nay (25/11), đánh dấu khởi đầu của 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ông Pio Smith, kêu gọi hành động khẩn cấp để thu hẹp khoảng cách về giới trên không gian kỹ thuật số, yêu cầu các nền tảng công nghệ chịu trách nhiệm và đầu tư vào các chính sách toàn diện để chống lại bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến, tạo ra không gian mạng an toàn hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người từng phải trải qua bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời.
Một nghiên cứu toàn cầu gần đây cho thấy, gần 60% phụ nữ đã từng phải trải qua một hoặc nhiều hình thức gây hại trực tuyến. Đối với hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái, không gian số tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm gia tăng và trầm trọng hóa tình trạng bạo lực mà họ đã phải đối mặt ngoài đời thực.
Trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người từng phải trải qua bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời. Năm 2022, tỷ lệ phụ nữ bị giết hại đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm. Trên không gian mạng, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với quấy rối, theo dõi, lạm dụng hình ảnh và đe dọa bạo lực - những cuộc tấn công này thường lan sang thế giới thực với hậu quả tàn khốc.
Trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, những rủi ro này còn leo thang hơn nữa khi những kẻ buôn người khai thác công nghệ kỹ thuật số để lừa dối, kiểm soát và bóc lột những người phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương, dẫn đến tống tiền, đánh cắp danh tính và biến họ trở thành nô lệ tình dục. Nguyên nhân của những lỗ hổng này nằm ở sự bất bình đẳng trên không gian mạng, trình độ hiểu biết về công nghệ thấp và độ phổ biến của những thông tin sai lệch.
Trẻ em gái vị thành niên và những phụ nữ cần phụ thuộc vào nền tảng kỹ thuật số để lao động/làm việc là đối tượng dễ bị bạo lực mạng. Đặc biệt với cộng đồng LGBTQI+, các nhà hoạt động, phụ nữ da màu và phụ nữ khuyết tật, nguy cơ bị lạm dụng còn tăng gấp nhiều lần.
Bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng có thể khiến phụ nữ mất đi sự nghiệp, sức khỏe và thậm chí là mạng sống. Tuy nhiên, chỉ vì hình thức bạo lực và thù hận này được thực hiện trên mạng, những hành động ấy thường bị bỏ qua một cách dễ dàng.
16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới năm nay, với chủ đề "Hướng tới 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh: Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ".
Bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến không chỉ là vấn đề công nghệ. Điều ấy phản ánh sự bất bình đẳng sâu sắc hơn trong xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thay đổi những khuôn mẫu giới có hại, thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào công tác phòng ngừa và đảm bảo những người bị bạo lực nhận được hỗ trợ về pháp lý và phục hồi/chữa lành về tinh thần.
Trong 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới này, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc kêu gọi các Chính phủ, công ty công nghệ và xã hội dân sự hãy hành động ngay. "Chúng ta phải khiến những người bạo lực phải chịu trách nhiệm, đẩy nhanh các chiến lược phù hợp với từng quốc gia, lấy người bị bạo lực làm trung tâm và tăng khoản tài trợ cho các phong trào vì quyền phụ nữ..." - ông Pio Smith nói.
D.Hải