Cư dân chung cư CT2C yêu cầu Ban quản trị minh bạch tài chính, công khai hoạt động

Cư dân chung cư CT2C yêu cầu Ban quản trị minh bạch tài chính, công khai hoạt động
một giờ trướcBài gốc
Theo phản ánh của một số cư dân chung cư CT2C, Khu đô thị mới Nghĩa Đô (Hà Nội), thời gian gần đây, tình trạng mất nước sinh hoạt, tranh chấp tại tầng hầm dẫn tới ẩu đả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của nhiều hộ dân.
Trong khi đời sống cư dân bị ảnh hưởng rõ rệt, Ban quản trị tòa nhà lại không công khai bất kỳ thông tin gì về hoạt động nội bộ, nhân sự hay tài chính, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Theo quy định pháp luật và Quy chế hoạt động của Ban quản trị, chỉ những người đang là chủ sở hữu hoặc người sử dụng căn hộ mới đủ điều kiện làm thành viên Ban quản trị. Tuy nhiên, hiện nay tòa nhà có rất nhiều căn hộ đã được chuyển nhượng và cư dân đặt câu hỏi liệu các thành viên BQT hiện tại có còn đáp ứng điều kiện hay không?
(Ảnh minh họa - KT)
Cư dân yêu cầu Ban quản trị cung cấp thông tin và giấy tờ xác nhận tư cách chủ sở hữu của từng thành viên, đồng thời công bố chứng chỉ đào tạo quản lý vận hành chung cư theo Thông tư 05/2024/TT-BXD – điều kiện bắt buộc với người trong Ban quản trị sau khi được công nhận.
Công khai, minh bạch trong chi tiêu tài chính?
Trong đơn kiến nghị gửi tới UBND phường Nghĩa Đô (Hà Nội), một số cư dân CT2C liệt kê hàng loạt việc họ chưa từng nhận được báo cáo của Ban quản trị như: việc lựa chọn ngân hàng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm đối với số tiền quỹ bảo trì? Kinh phí bảo trì đã được sử dụng chi tiêu vào những hạng mục gì, có đúng quy định hay không? Báo cáo thu chi quỹ vận hành từ tháng 4/2023 đến nay không được công bố cho cư dân; các nguồn thu khác của tòa nhà như doanh thu quảng cáo thang máy, chia sẻ doanh thu trạm thu phát sóng tại tòa nhà hiện đang được hạch toán vào đâu?
Điều khiến nhiều người dân bức xúc là trong khi Ban quản trị đang thu tiền gửi xe ô tô, thu tiền phí quản lý vận hành của cư dân, thu tiền điện, tiền nước, tiền khai thác quảng cáo… nhưng tuyệt nhiên không công bố công khai bất kỳ con số nào. Số tiền thu được quản lý như thế nào?
Một cư dân bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi đóng phí đầy đủ, nhưng không ai biết tiền đang đi đâu, toàn bộ báo cáo tài chính từ năm 2023 tới nay không được công khai, Ban quản trị không rõ ràng trong vấn đề tài chính, các khoản chi tiêu không được thông qua ý kiến cư dân. Một số cư dân đã nhiều lần yêu cầu công khai nhưng Ban quản trị vẫn phớt lờ”.
Theo quy định nội bộ, Ban quản trị phải tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng đơn vị vận hành 6 tháng một lần và công bố kết quả công khai, nhưng đến nay, cư dân cho biết chưa từng được lấy ý kiến hay nhận báo cáo nào.
Một số cư dân cho rằng đây là hành động phớt lờ quyền giám sát của cộng đồng, đồng thời đề nghị tổ chức khảo sát công khai toàn thể cư dân để đánh giá lại hiệu quả hoạt động và xem xét việc tiếp tục hay thay thế đơn vị vận hành hiện tại.
Nhiều khu chung cư vẫn tồn tại mâu thuẫn chưa được giải quyết dứt điểm (Ảnh: KT)
Ban quản trị có nên coi là một nghề
Câu chuyện mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi giữa nhiều bên liên quan xảy ra ở nhiều chung cư, trong một thời gian dài vẫn chưa có những hướng giải quyết nhất định. Những vụ việc tại các chung cư hầu hết do vấn đề tài chính, chi tiêu, kê khai các hạng mục bảo trì bảo dưỡng…
Mâu thuẫn giữa cư dân với ban quản trị đã ở mức không thể đối thoại nữa mà đã phải nhờ chính quyền can thiệp. Cư dân một số chung cư đã nhờ đơn vị kiểm toán vào cuộc để làm rõ các khuất tất của ban quản lý trong việc sử dụng quỹ bảo trì cũng như các khoản thu khác của chung cư.
Theo các chuyên gia, quy định pháp luật về hoạt động của ban quản trị chung cư hiện cũng chưa hoàn thiện, thiếu hành lang pháp lý để hoạt động cho minh bạch và hiệu quả. Nếu những thành viên ban quản trị không có tâm huyết, không đủ kiến thức pháp luật sẽ dễ hiểu sai và làm sai hoặc lợi dụng lỗ hổng để tiêu cực. Ngoài ra, để giải quyết mâu thuẫn phổ biến nhất giữa cư dân và ban quản trị chung cư cần rõ ràng, minh bạch trong việc sử dụng quỹ bảo trì.
Chúng ta cần phải thay đổi góc nhìn về Ban quản trị nhà chung cư, cần xem như một "nghề" được tuyển chọn nhân sự chuyên nghiệp có chuyên môn, có ràng buộc pháp lý chặt chẽ mới bảo đảm quyền lợi của cư dân.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật) cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện để đồng bộ với các văn bản khác trong hệ thống luật. Trước hết, cần các quy định pháp luật chặt chẽ để ràng buộc ban quản trị làm đúng chức năng của họ. Luật sư Bình đề xuất làm riêng luật về chung cư để ra 1 cái quy định về quản lý chung cư”. Ngoài ra, cần thành lập thêm 1 ban giám sát hoạt động độc lập.
"Để đảm bảo quyền lợi của người dân thì chúng ta cần phải nâng cao công tác quản lý, giám sát của cư dân đối với các hoạt động thu chi, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư bằng việc thành lập ban giám sát độc lập với ban quản trị. Theo đó, trao quyền cho ban giám sát được theo dõi biến động các giao dịch thu chi, được tham gia lựa chọn nhà thầu đơn vị quản lý cung cấp dịch vụ cho chung cư….”.
Hành vi quản lý sử dụng kinh phí bảo trì, sở hữu chung không đúng quy định… theo quy định thì sẽ phạt từ 100.000 – 120.000 đồng, quy định khoản 2 điều 69 của nghị định 16. Về xử lý hình sự, trường hợp hành vi vi phạm của các cá nhân nói trên nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội tham ô tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của điều 353 của bộ luật hình sự hiện hành.
PV/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/cu-dan-chung-cu-ct2c-yeu-cau-ban-quan-tri-minh-bach-tai-chinh-cong-khai-hoat-dong-post1215112.vov